Hai ngày qua, Đà Lạt bắt đầu cưỡng chế giải tỏa những pano quảng cáo, biển hiệu trước nhà dân chiếm dụng lòng, lề đường trên khắp tuyến phố. Tuy nhiên hàng loạt bảng không vi phạm hành lang an toàn giao thông đã bị tháo dỡ, kể cả những địa chỉ chủ nhà đi vắng. Do đó đoàn cưỡng chế đi đến đâu, người dân tập hợp theo phản đối đến đó vì cho rằng bị xử không đúng luật.
Bà Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh, chuyên kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bức xúc cho biết, trước đó phường 1 có đến lập biên bản kiểm tra đối với Beauty Salon Ha Linh ở lô A 8 Hải Thượng. Biên bản yêu cầu chung là các hộ dân tự tháo dỡ trước ngày 30/11, từ 1/12 nếu chưa tự sửa chữa sẽ chịu xử lý theo qui định chung.
Thế nhưng tối ngày 3/11 khi bà Linh đi công tác vắng, công ty đã bị đoàn cưỡng chế gỡ hai bảng hiệu trên phần sân đậu xe trước văn phòng công ty, hoàn toàn nằm ngoài lộ giới của đường Hải Thượng. Điều bà Linh và những hộ tương tự bức xúc là quyết định giải tỏa của chính quyền phường không thông báo trước so với biên bản, cũng không công bố lệnh tại hiện trường.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Nguyễn Thị Nguyên thừa nhận, ủy ban đã liên tục nghe phản ánh của người dân về những vụ giải tỏa cưỡng chế sai của đội thực thi. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin kiểm tra, rà soát lại từng trường hợp cụ thể và báo cáo về UBND.
Bà Nguyên cho biết, những trường hợp giải tỏa không đúng, thành phố sẽ rút kinh nghiệm và cần thiết phải xin lỗi người dân. Trước mắt lãnh đạo Đà Lạt đã chỉ đạo các phường trung tâm thành phố tạm ngừng tiến hành giải tỏa, cưỡng chế.
Trước đó, để chuẩn bị cho lễ hội 115 Đà Lạt, UBND thành phố đã ra quyết định chỉnh trang đô thị, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Từ ngày 1/12 đến 15/12 là thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp tồn tại bằng việc cưỡng chế giải tỏa.
Quốc Dũng