Cuối tuần rồi, tôi có dịp đi du lịch Đà Lạt. Vì trót dành tình yêu sâu đậm đối với thành phố này sau chuyến đi lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm, nên lần trở lại này của tôi xen lẫn nhiều cảm xúc, rất hồi hộp và háo hức.
Từng được mệnh danh là tiểu Paris, “thành phố sương mù” hay “rừng trong phố, phố trong rừng” bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình và khí hậu trong lành. Vì lẽ đó mà Đà Lạt đã chiếm được cảm tình của người dân xứ phương Nam trong đó có tôi. Thế nhưng, trái ngược với trạng thái cảm xúc ban đầu, lần trở lại này đã khiến tôi phải lo lắng và thất vọng.
Tôi đứng trên khu du lịch cáp treo Đà Lạt, là một trong những nơi thuận tiện nhất có thể quan sát toàn cảnh thành phố và chứng kiến một sự thay đổi đến đáng kinh ngạc. Đó là một sự lộn xộn giữa không gian kiến trúc và thiên nhiên.
Nếu như trước đây, Đà Lạt được mệnh danh là “rừng trong phố, phố trong rừng” bởi sự phát triển hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc, thì ngày nay, nó đã được thay thế bằng hình ảnh những biệt thự, những dãy nhà nhấp nhô, chi chít không theo quy luật nào. Bên cạnh đó là việc ngày càng có nhiều cánh rừng thông bị chặt phá hơn để nhường chỗ cho những dự án mới theo quy hoạch của thành phố.
Sự bê tông hoá đi kèm với việc triệt hạ những cánh rừng thông, không chỉ phá vỡ không gian thiên nhiên và kiến trúc, mà còn gây nhiều tác động tiêu cực cho khí hậu vốn rất độc đáo ở nơi đây.
Tôi đến Đà Lạt vào buổi sáng sớm với hy vọng có thể chiêm ngưỡng một thành phố mờ ảo trong màn sương, và tận hưởng cái không khí rét lạnh vốn có ở Đà Lạt. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy bỗng chốc trở thành niềm thất vọng. Càng đến gần trưa thì không khí có phần nóng nực và oi ả hơn. Dù chỉ mới 9h sáng, nhưng tôi cứ ngỡ mình đang hiện diện ở một nơi nào đó của vùng đồng bằng chứ không phải là một thành phố trên cao nguyên.
Sự nóng lên của Đà Lạt cũng đã tác động không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của con người nơi đây. Nếu như trước đây, người Đà Lạt thường phải bận chiếc áo khoác chống lạnh cả ngày thì ngày nay, họ đã có thể mặc một cách thoải mái như người đồng bằng. Nét da dẻ hồng hào của người con gái Đà Lạt ngày nào nay dần bị thay thế bằng màu xám, đen do rám nắng.
Sự nóng nực của Đà Lạt cũng khiến cho việc kinh doanh và sử dụng các thiết bị làm mát trở nên phổ biến hơn, điều mà nhiều người cho là khó tin ở mảnh đất cao nguyên này. Tôi đi xe đạp dạo vòng quanh thành phố Đà Lạt và chứng kiến ngày càng có nhiều khách sạn, nhà hàng, hộ gia đình sử dụng máy lạnh, quạt máy hơn.
Bên cạnh đó, sức ép gia tăng dân số cũng khiến cho môi trường cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt ngày càng trở nên ô nhiễm hơn. Tôi đến thăm thác Cam Ly, một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Đà Lạt. Nhưng vừa vào đến nơi, tôi đã phải bỏ về vì không chịu nổi mùi hôi cùng với rác thải của dòng thác.
Chứng kiến những mặt trái của quá trình đô thị hoá với sự xuống cấp nghiêm trọng của cảnh quan thiên nhiên và biến đổi khí hậu đã khiến tôi tự hỏi, liệu trong tương lai Đà Lạt có còn mộng mơ như những gì mà người ta đã đặt cho nó?
Vào tháng 7/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quyết định về Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, địa giới hành chính Đà Lạt sẽ được mở rộng đến gần 336.000 ha, bao gồm diện tích huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương và một phần huyện Lâm Hà. Trong đó, sẽ xây dựng, phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Có thể coi, đây là một tin vui đối với người dân Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Vì quyết định này sẽ làm cho nền kinh tế nơi đây trở nên khởi sắc hơn, nhờ đó đời sống người dân sẽ ngày càng tăng cao hơn. Nhưng nó cũng đồng thời gây nhiều quan ngại, lo lắng cho những nhà bảo tồn thiên nhiên và những người yêu Đà Lạt. Sự lo lắng ấy là điều hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào thực trạng của thành phố Đà Lạt hiện nay.
Mọi sự phát triển kinh tế đều sẽ phải trả giá nếu như không có sự tính toán để phát triển một cách bền vững giữa con người với môi trường. Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung có thể sẽ làm cho Đà Lạt trở thành một thành phố văn minh, hiện đại hơn trong tương lai. Nhưng nếu sự quy hoạch đó diễn ra một cách ào ạt và thiếu bền vững thì nguy cơ biến mất một thành phố lãng mạn từng là cảm hứng sáng tác của biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, nhà văn là điều hoàn toàn có thể.
Ở nơi ấy, tôi đã thấy những cánh rừng thông đang ngày đêm bị triệt hạ để nhường chỗ cho sự phát triển kinh tế mà lòng cảm thấy xót xa hơn.
Những trăn trở của tôi, có lẽ cũng giống như những trăn trở mà các nhà bảo tồn thiên nhiên và những người vốn đã dành tình cảm sâu đậm cho thành phố này.
>> Xem thêm: Đà Lạt mở rộng ngang Hà Nội thì có còn đẹp nữa không?
Độc giả Nguyễn Đình chia sẻ những hình ảnh đẹp về hoa và hồ Xuân Hương lãng mạn của Đà Lạtmộng mơ. |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.