Từ Huế lên Đà Lạt lập nghiệp những năm 1950, gia đình ông Mỹ đại diện cho một thế hệ di cư từ các tỉnh "chảo lửa" miền Trung đến vùng cao nguyên mát mẻ này. Họ tận dụng khí hậu ôn hòa và giống hoa đa dạng, từng bước phát triển nghề trồng trọt, gầy dựng làng hoa Thái Phiên nổi tiếng.
27 năm trước, ông Mỹ là một trong những người đầu tiên tại Đà Lạt thử nghiệm trồng hoa trong nhà kính - cách làm hầu hết xa lạ với nông dân thời bấy giờ. Mô hình xuất hiện từ những năm 1990, khi một số công ty nước ngoài ứng dụng để trồng rau, hoa giống nhập ngoại. Phương pháp này cho năng suất gần gấp đôi so với trồng ngoài tự nhiên, bởi nắng mưa không còn là "chuyện của trời", mà nằm trong tầm tay những nhà nông như ông Mỹ.
Nắm bắt thời cơ, ông nhanh chóng bắt tay vào xây dựng nhà kính với toàn bộ trụ và khung bằng tre, bọc ngoài là màng nylon nhựa dẻo, chi phí khoảng 18-20 triệu đồng - cỡ 3 cây vàng lúc đó. Thử nghiệm nhanh chóng cho kết quả khả quan. Cúc đóa cho màu đẹp hơn khi trồng ngoài trời, lại đều cây, năng suất cao. 1.000 m2 có thể cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
5 năm tiếp đó, ông Mỹ vừa đầu tư vừa tích lũy, mở rộng từ 300 m2 nhà kính ban đầu lên 8.000 m2. Hoa của ông từ chỗ chỉ buôn bán nội vùng, đã vươn ra cả nước. Nhờ lợi nhuận từ mô hình trồng hoa trong nhà kính, cuộc sống gia đình dần khấm khá, ông xây được nhà lầu, cho các con đi học.
Những năm 2000, trồng hoa trong nhà kính trở thành xu hướng trong ngành trồng trọt ở Đà Lạt, dưới cái tên "nông nghiệp công nghệ cao". Năm 2004, ngành nông nghiệp Lâm Đồng có đề án phát triển riêng cho mô hình này. Với sự khuyến khích của nhà nước, nhà kính mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt ở các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành. Từ chỗ dựng bằng tre thô sơ, dần dần nhà chuyển sang khung sắt với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng.
"Có lợi nhuận nên ai cũng đổ xô làm", ông Mỹ kể.
Hơn một thập kỷ kể từ khi đầu tư loại hình này, làng hoa của ông Mỹ khá hẳn lên. Nông dân tích lũy được nhờ trồng hoa trong nhà kính. Các làng
hoa khoác lên mình diện mạo mới. Những căn nhà cấp 4 xập xệ được thay bằng nhà lầu, biệt thự. Nhiều người sắm được cả ôtô. Mấy năm liền, nhà kính
được nhắc đến trong các báo cáo của địa phương như thành tựu đáng tự hào về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Nhưng nhà kính đã làm Đà Lạt biến dạng.
"Thành phố mùa xuân" từ chỗ được phủ xanh bởi rừng thông, dần chuyển sang màu trắng đục của nhà kính. Sau hơn 30 năm xuất hiện mô hình đầu tiên, đến nay, Đà Lạt có 2.907 ha nhà kính, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của thành phố. Nhà kính được làm cả trong 10/12 phường nội đô, dày đặc tại phường 12 khi tỷ lệ nhà kính chiếm 84% diện tích canh tác; sau đó là phường 5, 7 và 8 với trên 60%.
Từ sự hứng khởi ban đầu, qua thời gian, ông Mỹ dần cảm nhận được mặt trái. Ở trong nhà kính nóng hơn bên ngoài do bức xạ ánh sáng, và tích tụ
nhiều chất độc từ phun thuốc cho hoa.
"Tôi vẫn phải làm vì kinh tế, vì cuộc sống", ông Mỹ phân trần.
Các chuyên gia nghiên cứu về Đà Lạt đều cho rằng không chỉ nông dân, mà cả thành phố đang phải trả giá cho sự phát triển nhà kính ồ ạt. Những năm gần đây, hình ảnh phố núi ngập xuất hiện với tần suất dày và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Giống như TP HCM hay Hà Nội, Đà Lạt nay cũng đã có "rốn ngập" mỗi khi mưa như: Nguyễn Công Trứ, Tô Ngọc Vân, Trường Văn Hoàn, Ngô Văn Sở... Nhiều vườn rau, hoa dọc đường Trạng Trình và Cách Mạng Tháng Tám thường xuyên bị nhấn chìm từ 0,5 đến 0,8 m.
Gầy đây nhất, chiều 23/6, mưa khoảng 30 phút khiến nhiều đường nằm cuối suối Cam Ly như: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Mạc Đĩnh Chi... ngập nửa mét. Nước chảy cuồn cuộn, cuốn trôi ôtô, tràn vào nhà dân. Đây là lần ngập nặng nhất trong hai năm qua, sau trận mưa tháng 9/2022.
Cùng với ngập lụt, tình trạng sạt lở cũng xảy ra với mật độ dày và nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, TP Đà Lạt hiện có 210 điểm sạt lở, sụt lún, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông. Đây cũng là một trong 4 địa phương được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao của Lâm Đồng, cùng với huyện Lạc Dương, Di Linh và Đam Rông.
Viện đánh giá Đà Lạt có 10% diện tích nguy cơ trượt lở rất cao, 42% cao, và 45% trung bình; chỉ 3% diện tích nguy cơ thấp. Hơn 10 năm qua, địa
phương này thiệt hại gần 126 tỷ đồng vì các loại thiên tai, trong đó có sạt lở.
Cuối năm 2021, hàng trăm khối đất tại ngọn đồi trên đường Khe Sanh đứt gãy, sạt xuống thung lũng, sâu hơn 50 m. Bờ taluy đá, cây cối và ngôi
nhà cấp 4 bị vùi lấp, may mắn không gây thương vong. Sạt lở gây rung lắc trên diện rộng khiến 7 căn nhà 3-4 tầng bị nứt toác, trơ móng. Chính
quyền phải di dời khẩn cấp nhiều hộ xung quanh.
Hai ngày cuối tháng 6 vừa qua, Đà Lạt xảy ra liên tiếp 13 điểm sạt lở khắp thành phố. Trong đó, trận sạt taluy trên đường Hoàng Hoa Thám sáng 29/6 khiến 2 người chết, 5 người bị thương và nhiều biệt thự hư hỏng.
Nhà kính là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng xói mòn, thoái hóa đất, lũ ống, ngập lụt ở Đà Lạt, theo giáo sư Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học tỉnh Lâm Đồng.
"Đất không còn chỗ ngấm, nhà kính che kín thì mưa chảy thành dòng, các lớp mái gắn liên tiếp nhau tạo thành dòng chảy lớn, chảy chỗ nào thì xói chỗ ấy", ông Sinh lý giải.
Theo Chi cục trồng trọt tỉnh Lâm Đồng, thiết kế nhà kính của nông dân nằm sát các kênh mương thoát nước, không chừa khoảng lùi. Nhiều nơi nhà lấn suối, cản dòng chảy. Hầu hết công trình chưa có hệ thống ao, hồ thu nước, mương thoát nước. Người dân ở gần đường xả nước thải chung với công trình thoát nước công cộng, có hộ còn cho chảy thẳng ra lộ. Những khu vực chưa có hệ thống nước mưa riêng nên nước chảy theo địa hình tự nhiên ra suối.
Đồng quan điểm, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng nhà kính, nhà lưới mọc dày đặc, liền kề các khu dân cư làm hạn chế
sự phát triển cây xanh, khiến nước mưa không thể thoát. Hệ quả là đất chứa lượng nước rất lớn. Khi có những trận mưa bất thường, xói lở diễn ra
rất mạnh. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đây cũng chỉ là một nguyên nhân, không thể đổ thừa hết cho nhà lưới, nhà kính.
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, ông Khiếu Văn Chí (67 tuổi, kỹ sư) chứng kiến hồ, suối của thành phố nhỏ dần qua mỗi năm, cùng với đó là những trận ngập nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn hơn.
"Chẳng còn chỗ nào chứa nước", ông nói.
Đà Lạt địa hình đồi núi, nên những trận lũ ống, lũ quét đã có từ xưa. Tuy nhiên, thiệt hại không nặng nề bởi có nhiều hồ chứa nước nhân tạo lớn. Cụ thể, lưu vực Thái Phiên có hồ Than Thở, Chi Lăng có hồ Mê Linh. Hạ lưu của Thái Phiên và Chi Lăng có hồ Xuân Hương, cùng với hồ phụ cho các lưu vực nhỏ như hồ Tổng Lệ cho lưu vực đồi Cù, hồ Đội Có cho lưu vực ấp Võ Tánh, lưu vực Thánh Mẫu thượng nguồn suối Phan Đình Phùng có hồ Vạn Kiếp...
Ông Khiếu nhớ lại trước đây, khi mưa lớn, nước chảy vào các hồ này. Với hệ thống đập ngăn nước và các cửa xả, người ta có thể hạn chế và điều tiết lũ.
Sau này, nhà ở lấn dần vào đất rừng và các hồ điều hòa. Hồ Vạn Kiếp bị "xóa sổ", hồ Mê Linh, hồ Than Thở bị lấn chiếm, diện tích thu hẹp, bồi lắng. Các hồ phụ như Đội Có, Tổng Lệ đều bị thu hẹp cả diện tích lẫn đường cống nối hồ lớn. Con suối chảy từ khu vực Đông Tĩnh, Nguyễn Công Trứ khi băng qua đường Phan Đình Phùng trước kia là kênh mở, nay biến thành cống kín. Hai bên bờ từ vườn rau, bờ lau sậy, nay là nhà cửa san sát.
Đà Lạt hiện chỉ có trục tiêu chính là suối Cam Ly. Lòng suối nhỏ, nhưng chưa được nạo vét, chỉ còn 10-20% bề rộng ban đầu. Dòng chảy bị cản
trở, mưa to, nước không thoát kịp dẫn đến ngập lụt. Điển hình như 3 km suối từ hồ Thái Phiên đến hồ Than Thở, mỗi trận mưa lớn đều gây ngập úng
các vườn hoa màu hai bên bờ.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, từ những bản quy hoạch đầu tiên, người Pháp rất chú trọng không gian mặt nước bằng cách tận dụng địa hình, sông suối và xây dựng hồ điều tiết nhân tạo. Mục đích là làm đẹp cảnh quan và giảm lũ, sau đó mới quy hoạch không gian khác cho nhà ở, đô thị. Thế nhưng sau này, không gian mặt nước không còn giữ được như ban đầu.
"Hạ tầng thoát nước chưa được đầu tư, hệ thống thoát nước mưa chưa tách khỏi nước thải sinh hoạt nên không chỉ ngập lụt tăng, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, Đà Lạt đang phát triển nóng, xây dựng nhà ở liên tục", ông Sơn băn khoăn.
Vùng cao nguyên này đang phải gánh vác quá nhiều khi cư dân ngày càng đông đúc. Trước đây, những làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt được gầy dựng nhờ làn sóng nhập cư. Làng hoa Thái Phiên phần lớn là người Huế, Bình Định, Quảng Ngãi. Còn làng hoa Hà Đông do người Hà Nội nhập cư hình thành, hay làng hoa Vạn Thành do người Hà Nam lập ra. Lớp dân nhập cư này đã và đang tạo nên thế hệ mới tại Đà Lạt.
"Một gia đình sinh 3-4 đứa con, nếu chúng không xuống Sài Gòn làm việc thì lại phải chia đất, xây nhà, cộng thêm người mới nhập cư. Ngày xưa nhìn bên này sang bên kia mới thấy một cái nhà, giờ thì nhà san sát", ông Nguyễn Đình Mỹ nói.
Cùng với bùng nổ dân số tại chỗ, "thành phố mộng mơ" đang đón thêm cư dân từ những đô thị phát triển như Hà Nội, TP HCM. Thế nhưng, Đà Lạt không được chuẩn bị cho làn sóng nhập cư này.
Năm 1923, đồ án quy hoạch Đà Lạt của kiến trúc sự Hébrard mang ý tưởng "thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố". Khi ấy Đà Lạt có 1.500 người, được quy hoạch diện tích 30.000 ha, đáp ứng 30.000-50.000 dân. Tròn một thế kỷ sau, Đà Lạt mở rộng lên 39.000 ha, dân số khoảng 240.000 người, tăng hơn 150 lần, và gấp gần 5 lần so với định hướng quy hoạch 100 năm trước.
Dân số tăng tạo nên áp lực về nhà ở. Người di cư tự do từ địa phương khác đến Đà Lạt mua đất bằng giấy viết tay, xây nhà không phép, trái quy hoạch. Điển hình như khu dân cư trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn ở phường 3 và 10, trước năm 2016 chỉ có hơn 180 hộ nhưng nay tăng lên thêm khoảng 100 hộ ngoài quy hoạch. Chính quyền nhiều lần họp bàn nhưng chưa thể xử lý dứt điểm.
Không chỉ thu hút dân cư, "thành phố sương mù" còn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Năm 2006, du khách đến Đà Lạt chỉ 1,32 triệu lượt, nhưng đến 2022 đạt 5,5 triệu lượt, chỉ giảm vào hai năm Covid. Để đáp ứng nhu cầu ở của du khách, lượng cơ sở lưu trú tăng từ 538 năm 2006 lên 2.400 cơ sở năm 2022, gấp 4 lần.
Không gian dành cho nhà ở, biệt thự, khách sạn, homestay ồ ạt mọc lên quanh phố, ven đồi, kéo giảm diện tích rừng. Tỷ lệ che phủ rừng giảm từ 69% năm 1997 còn 51% năm 2020. Riêng rừng thông nội ô giảm từ 350 ha năm 1997 xuống còn 150 ha năm 2018, nghĩa là mất quá nửa diện tích trong hơn 10 năm, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng.
Trước những mặt trái do phát triển nóng ở Đà Lạt, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã nhìn nhận lại và có những giải pháp để thay đổi. Từ góp ý của
các nhà khoa học, khoảng 5 năm qua, nhà chức trách đã có nhiều cuộc họp bàn cách giảm bớt mô hình nhà kính. Cuối năm 2022, Phó chủ tịch Lâm Đồng
Phạm S công bố kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn nhà kính ở nội ô Đà Lạt trước 2030, chỉ để lại diện tích ở các xã vùng ven. Nhiều lộ trình thực hiện
được vạch ra để tiến tới cách làm nông nghiệp ngoài trời hiệu quả.
Không gian cho phát triển đô thị, nhà ở cũng đang được tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng đô thị về phía các vùng vệ tinh như Lạc Dương, Lâm Hà....
Cùng với đó, chính quyền mời chuyên gia Nhật Bản khảo sát, tham vấn giải pháp ứng phó sạt lở đất; chuyên gia thoát nước đô thị để đánh giá lại toàn bộ hệ thống thoát nước, đồng thời dồn nguồn lực đầu tư cho vấn đề này.
Trái ngược với những lời kêu gọi 10 năm trước, giờ đây, mô hình trồng hoa và rau trong nhà kính không còn được khuyến khích ở trung tâm Đà Lạt. Quy hoạch tổng thể của Đà Lạt cũng bắt đầu được "xét lại" sau thời gian phát triển nóng, đô thị hoá ồ ạt.
Ông Nguyễn Đình Mỹ chọn mua thêm đất ở huyện Lạc Dương - cách làng hoa Thái Phiên 23 km - để mở rộng mô hình trồng hoa trong nhà kính. "Mô hình này đang phát triển tràn lan ở trong thành phố. Nhà nước phải làm sao đó chứ như này không ổn", ông nói, trăn trở về mặt trái của mô hình trồng hoá trong nhà kính.
Còn với người dân như ông Khiếu Văn Chí, có những mất mát chỉ còn là ký ức. Chỉ vào một điểm trên bản đồ, người đàn ông 67 tuổi nói nơi đây từng là hồ Vạn Kiếp, một trong những biểu tượng của Đà Lạt xưa, song giờ khu đất chỉ còn những lớp nhà kính trắng xoá.
Nội dung: Phạm Linh - Phước Tuấn - Đăng Khoa
Đồ họa: Đăng Hiếu