Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này
Đối chiếu các quy định trên, mẹ bạn hoàn toàn đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Trường hợp mẹ của bạn đủ điều kiện giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động tuy nhiên đã được giải quyết hưởng chế độ ốm đau trong thời gian điều trị tai nạn lao động thì khi đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thu hồi số tiền trợ cấp ốm đau đã chi trả và giải quyết chế độ ai nạn lao động đối với mẹ của bạn.
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động theo Điều 57 Luật An toàn vệ sinh, lao động, gồm:
"(1) Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp điều trị nội trú;
(2) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
(3) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động do người sử dụng lao động lập theo mẫu số 05A-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam"
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 6 Luật an toàn vệ sinh, lao động quy định người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, mẹ bản hoàn toàn có quyền chủ động làm đơn để đi giám định sức khoẻ tại trung tâm giám định và sẽ được Hội đồng giám định kiểm tra lập biên bản xác định rõ tỷ lệ thương tật của mẹ bạn để đầy đủ hồ sơ nộp cho Cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho mẹ bạn.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci