Nhạc sĩ Nguyễn Cường vừa tổ chức ra mắt Đà Giang đại hợp xướng ở Hòa Bình, với một cuộc du thuyền trên sông để trải nghiệm và chứng thực vẻ đẹp của dòng sông Đà mà ông đưa vào tác phẩm.
Nhạc sĩ chia sẻ mới đầu, ông chỉ định viết một bài hát nhưng sau đó tiếp xúc với văn hóa Mường, đặc biệt sử thi Đẻ đất, đẻ nước, chiêng Mường - những bài hát lạ, ma mị về mảnh đất này, nhạc sĩ cảm thấy cần phải viết nhiều hơn. Từ bài hát định viết thành trường ca, từ trường ca định viết thành hợp xướng một chương. Cuối cùng, tác phẩm là một đại hợp xướng với bốn chương nối tiếp thành một câu chuyện hoàn chỉnh về dòng sông Đà, về nền văn hóa Mường ở Hòa Bình.
"Viết ít thì không thỏa cảm giác, ấn tượng của mình về một nền văn hóa vĩ đại. Những vấn đề của Hòa Bình đặt ra rất lớn nên cần một cái gì đó có tầm cỡ hơn", nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại buổi ra mắt tác phẩm "Đà Giang đại hợp xướng". Ảnh: Quang Đức.
Chương một có chủ đề "Đà Giang Bi Vang Thàng Động". Bi, Vang, Thàng, Động là bốn tộc Mường lớn nhất ở Hòa Bình - nền tảng cơ sở của văn hóa Mường. Chương đầu tiên như tái hiện lại sử thi Đẻ đất, đẻ nước với những hình dung về thuở trời đất khai sinh, người Mường đã ra đời và dần gây dựng nền văn hóa với đầy huyền thoại bí ẩn. Tác giả chia sẻ những gì lớn lao, đẹp đẽ của người Mường đều được đưa vào tác phẩm.
Chương hai là cảm xúc trước những thi nhân, văn nhân từng say sưa với vẻ đẹp sông Đà, được Nguyễn Cường đặt tên "Thuyền du bến nước sông trăng". Đó là Tản Đà với câu thơ "Sông Đà ai vặn một dòng quanh" hay Nguyễn Tuân với bút ký Sông Đà, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Phạm Duy...
Chương ba có tên "Đường lên Tây Bắc" gợi nhớ hàng vạn dân công thồ gạo, thồ lương thực lên Tây Bắc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chương bốn nói về việc xây dựng hòa bình, tổng kết các chương trước tạo thành một kết thúc hoành tráng. Đó là vĩ thanh về một khát vọng "ta xây thành phố mơ cùng sông Đà".
Bốn chương đều xuất hiện bốn nốt đặc trưng của chiêng Mường là "bình bong bính khẳm" ở các giai điệu khác nhau, tạo nên sự xuyên suốt, liền mạch cho tác phẩm.
Đà Giang đại hợp xướng được Nguyễn Cường sáng tác trong vòng một năm và ba tháng phối khí. Trong thời gian đó, ông đọc sử thi, đọc lịch sử người Mường - người Việt, nghiên cứu hát mo, chiêng Mường... Đó không chỉ là cuộc nghiên cứu về âm nhạc mà là đi tìm lại cội rễ của một nền văn hóa lớn, cũng được cho là cái nôi của người Việt.
Nổi tiếng là nhạc sĩ của những ca khúc về núi rừng Tây Nguyên, Nguyễn Cường vẫn giữ nguyên chất riêng khó lẫn của mình khi viết về một dòng sông Tây Bắc. Đó là một Nguyễn Cường dương tính, mạnh mẽ, không thích yếu đuối ngay cả khi viết về những thứ mềm mại, âm tính như sông, như biển. Bởi thế, tác phẩm Đà Giang đại hợp xướng được nhiều người đánh giá hơi nhiều "dương tính" mà thiếu phần dịu dàng, mềm mại. Nguyễn Cường chia sẻ ông sẽ bổ sung điều này vào trong tác phẩm để tạo sự lắng đọng hơn.
Buổi ra mắt có sự tham gia của nhiều tên tuổi trong làng nghệ thuật như nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Thụ, giáo sư Chu Minh, nhạc sĩ Giáng Son, nhà văn Nguyễn Đình Chính...