Bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE lý giải đà giảm của thị trường chứng khoán trong tháng 9, đồng thời, dự báo tiềm năng thị trường trong ba tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
- GDP Việt Nam ba quý đầu năm có sự tăng trưởng liên tục từ 3,28% quý I lên 5,33% trong quý III. Bà đánh giá như thế nào về sự hồi phục của nền kinh tế trong phần còn lại của năm 2023 và năm 2024?
- 2023 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Hàng loạt sự kiện kinh tế lớn đã diễn ra như việc Fed lần đầu tăng lãi suất vượt 5,5% sau hơn 22 năm, khủng hoảng tiền gửi tại Mỹ, sự đổ vỡ thị trường bất động sản Trung Quốc... Những sự kiện "thiên nga đen" tạo ra lực cản không nhỏ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với một nền kinh tế mở có tỷ trọng thương mại quốc tế chiếm đến hơn 180% GDP như Việt Nam, sự liên đới là không thể tránh khỏi.
Bên cạnh sức ép từ bên ngoài, bản thân nền kinh tế trong nước khi bước vào năm 2023 cũng gặp những vấn đề từ nội tại. Sự đóng băng của kênh trái phiếu, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và lãi suất tăng cao trong năm 2022 khiến dòng vốn bị tắc nghẽn không thể lưu thông.
Trước tình hình khó khăn đó, Chính phủ đã có sự can thiệp kịp thời bằng hàng loạt chính sách từ tài khóa như đẩy mạnh đầu tư công, cắt giảm thuế VAT... Việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ như 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành đã đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn. Nếu như quý I, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 3,28%, con số này trong quý II là 4,05% và quý III là 5,3%.
Gần như hồi phục sẽ tiếp tục diễn ra trong phần còn lại của năm 2023 do các chính sách tiền tệ trong nước mới bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế, cùng với việc kinh tế thế giới vẫn đang chống chọi tốt trong giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng trong năm 2024 sẽ khó đoán hơn nhiều. Chính sách tiền tệ là xúc tác hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế. Nhưng biến số bên ngoài mới là yếu tố quyết định sự hồi phục có bền vững.
Bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được chia làm 2 kịch bản: một cuộc "hạ cánh mềm" giúp cho kinh tế toàn cầu vẫn giữ được mức tăng trưởng nhẹ trong 2024 và nền kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục. Tuy nhiên ở kịch bản xấu hơn, một cuộc suy thoái xảy ra dưới sức ép của lãi suất có thể khiến nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn quá trình phục hồi.
- Trong xu hướng nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán lại suy giảm. Trong tháng 9, thị trường chứng khoán giảm xấp xỉ 10%, mất hơn 100 điểm. Vì sao chỉ số lại có diễn biến ngược chiều như thế?
- Nền kinh tế và thị trường chứng khoán rất hiếm khi đi cùng pha với nhau trong ngắn hạn. Chính xác hơn, thị trường chứng khoán luôn dẫn trước nền kinh tế từ một cho đến hai quý.
Sự khác biệt giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán ở chỗ: nền kinh tế là những gì ta đang thấy và trải qua, trong khi đó, chứng khoán lại là kênh đầu tư dựa trên kỳ vọng.
Do vậy, bối cảnh hiện tại khi nền kinh tế cho thấy những dấu hiệu phục hồi, thị trường chứng khoán suy yếu là điều hoàn toàn bình thường.
Cần hiểu rằng, trong ngắn hạn, thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố, không riêng kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Một số yếu tố khác có thể kể đến như: Mức định giá thị trường có đang quá đắt hay không? Thị trường có đang quá hưng phấn hay không? Diễn biến của thị trường chứng khoán khu vực như thế nào? Thị trường tiền tệ trong nước có căng thẳng hay không? Đây mới là những yếu tố tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, từ đó tác động đến xu hướng thị trường chứng khoán.
- Đà giảm của thị trường từ tháng 9 phản ánh điều gì?
- Đà giảm của thị trường từ đầu tháng 9 đến nay thực chất chỉ là một xu hướng ngắn hạn. Theo tôi, có hai nguyên nhân chính gây ra đợt sụt giảm gần đây của thị trường.
Thứ nhất, đây là diễn biến đồng pha với chứng khoán toàn cầu. Chỉ số chứng khoán Mỹ mất gần 5% trong tháng 9. Các chỉ số chính ở châu Âu và châu Á cũng mất từ 2-4% trong quãng thời gian này. Do đó, việc chứng khoán Việt đi cùng nhịp với các thị trường khác là điều dễ hiểu.
Thứ hai, kênh tiền tệ ngân hàng nhà nước liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu để kiểm soát tỷ giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản hệ thống tài chính và tâm lý nhà đầu tư.
Do vậy, sự sụt giảm gần đây của thị trường không phản ánh đánh giá kém tích cực của nhà đầu tư đối với triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Đó chỉ đơn giản sự điều chỉnh sau một đà tăng dài.
- Trong dài hạn, những yếu tố nào sẽ phản ánh đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt?
Có nhiều yếu tố hội tụ cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Điều kiện tiên quyết để một thị trường tài chính tăng trưởng bền vững là nền kinh tế phải tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chí này. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn năm trong top những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới cũng như khu vực.
Trong giai đoạn 2012-2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6% mỗi năm, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Với tỷ lệ đô thị hóa ở mức cao, các chính sách hỗ trợ của chính phủ, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cùng lực lượng lao động dồi dào, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao vẫn sẽ còn tiếp tục được duy trì trong dài hạn.
Thứ hai, mức độ thâm nhập kênh đầu tư chứng khoán trong dân còn rất thấp. Theo ước tính của tôi, tỷ lệ người dân tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn thấp, chỉ ở mức 2%. So với các quốc gia khác như Mỹ (55%), Trung Quốc (13%), rõ ràng tỷ lệ này chưa cao.
Chứng khoán gần như chỉ được phổ biến ở các thành phố lớn trung tâm cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... Còn lại những tỉnh thành vùng ven, kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn khá lạ lẫm. Người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiền và các kênh tiết kiệm hoặc đầu tư bất động sản. Trái ngược với các quốc gia phát triển, kênh chứng khoán luôn nằm trong những lựa chọn hàng đầu để tối ưu lợi nhuận. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, công nghệ thông tin... sẽ giúp nhiều người tiếp cận đến kênh đầu tư này hơn.
Hồng Thảo