Từ đầu năm 2022, Chính phủ quyết định khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành, địa phương mở cửa trường học, du lịch... trên cơ sở đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một lộ trình mở cửa an toàn hướng đến phục hồi hậu Covid-19 "cần sự thống nhất trong tư tưởng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh".
Điều đầu tiên là "mở cửa phải dũng cảm, mạnh dạn". Đây cần được xác định là phương châm hành động của năm nay. "Tức là mở cửa từ tư duy, đừng để tư duy Zero Covid tồn tại quá lâu, áp đặt suy nghĩ phải hết sạch dịch bệnh mới mở cửa để phát triển kinh tế", ông nói, cho rằng trong thực tế điều này chưa được thực hiện tốt. Ở nhiều nơi, tư tưởng Zero Covid đang trói chặt khuôn khổ tư duy và cách thức hành động, đơn cử như hàng loạt địa phương đã yêu cầu xét nghiệm, cách ly trái quy định đối với người dân về quê dịp trước Tết.
Tiếp theo, ông Dũng nhấn mạnh việc chống dịch cần dựa vào số liệu thực tế để có phản ứng phù hợp. Một trong những số liệu quan trọng ở đây là độ bao phủ vaccine. Đến hết ngày 7/2, cả nước đã tiêm được 182 triệu liều; trong đó tiêm mũi một hơn 79,1 triệu liều; tiêm mũi hai là 74,2 triệu liều; tiêm mũi ba là 29 triệu liều.
"Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như vậy, chúng ta cần chú trọng đến số ca tử vong và ca nặng để đưa ra biện pháp, không phải dựa vào số liệu ca nhiễm mỗi ngày", ông Dũng nói, cho rằng số liệu ca nhiễm không còn ý nghĩa thì đánh giá nguy cơ theo tiêu chí đó cũng không chính xác và chỉ làm thiệt hại thêm cho kinh tế. Cơ chế quản lý nên hướng nhiều hơn đến đối tượng nguy cơ cao, chưa hoặc không thể tiêm chủng.
"Không nên đánh giá nguy cơ dịch bệnh rồi chia vùng xanh đỏ, áp dụng cho tất cả mọi người kể cả khỏe mạnh", ông nói.
Theo ông, nếu tỷ lệ tử vong vì Covid-19 không quá cao so với các loại bệnh khác, việc phản ứng cực đoan với nó là điều bất hợp lý. Qua thời gian, mọi người có thể coi Covid-19 như loại bệnh đặc hữu, theo mùa. Với cách tiếp cận này, nhiều nước đã bắt đầu các lộ trình mở cửa từ lâu. Và với Việt Nam, hiện giờ không còn là quá sớm để làm việc đó.
"Kinh nghiệm từ các quốc gia đã mở cửa là họ có chính sách nhất quán đối với việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói, nhấn mạnh người dân cần tiêm chủng đầy đủ để có thể tham gia vào các hoạt động xã hội; đây không chỉ là biện pháp tự bảo vệ mình mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, vai trò chống dịch cũng được dịch chuyển từ chính quyền về phía người dân. Thay vì thu dung, cách ly, điều trị tập trung như trước, chính quyền để người dân tự cách ly, điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Người dân cũng tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi trong điều kiện hiện nay.
Việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong phòng chống dịch cũng là nhiệm vụ cần tập trung khi mở cửa các hoạt động. Việc này vừa giúp kiểm soát các nguy cơ, vừa tạo thuận lợi cho người dân, tránh những thủ tục khai báo, giấy tờ phiền hà.
Về lộ trình mở cửa, ông Dũng cho rằng trước mắt, mở cửa là để hướng đến phục hồi nên cần mở sớm các hoạt động liên quan đến kinh doanh, sản xuất, hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp. Sau đó đến các loại hình dịch vụ, văn hóa, vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, giáo dục. Đối với du lịch, trước mắt là mở lại du lịch trong nước, sau đó đảm bảo điều kiện để đón khách quốc tế.
"Mở cửa toàn bộ hoạt động, ta cần làm quen với việc chấp nhận các rủi ro. Ví dụ như một học sinh là F0 thì ta cho học sinh đó ở nhà, còn các em khác tiếp tục đi học", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Ở góc độ tiếp cận thận trọng, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự cố khẩn cấp y tế cộng đồng (Bộ Y tế), nói Việt Nam chuyển từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nghĩa là chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng.
"Tuy nhiên, chúng ta không thể buông trôi, thả lỏng. Mọi hoạt động đi lại, xã hội, văn hóa, dịch vụ công cộng, sự kiện đông người... đều phải tuân thủ 5K và đảm bảo giãn cách để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh", ông Phu nêu quan điểm.
Ông phân tích, virus vẫn chủ yếu lây qua đường hô hấp và theo hình thức giọt bắn. Vì vậy, việc mở cửa trở lại trường học, du lịch... cần có tổ chức, lộ trình để đảm bảo an toàn. Với những trường hợp nhận thấy mình có nguy cơ là F0 hoặc đã xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19, cần có biện pháp tránh lây lan cho các thành viên khác trong gia đình, nhất là người già, người có bệnh nền. Đây là nhóm dân số nguy cơ cao bị chuyển nặng hoặc tử vong nếu nhiễm Covid.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP HCM cũng cho rằng việc mở cửa là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ông lưu ý hiện một số địa phương chưa bao phủ xong mũi hai cho dân số từ 18 tuổi hoặc đã bao phủ mũi hai nhưng chưa đủ thời gian để đạt miễn dịch cần thiết. Những nơi này cần tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ 5K, hạn chế tụ tập đông người để tránh nguy cơ bùng phát dịch.
Ông Dũng cũng cho rằng trước khi bao phủ xong mũi ba cho tất cả dân số từ 18 tuổi, người dân nên hạn chế tập trung đông người nếu không thật sự cần thiết. Khi dự các sự kiện đông người, mỗi người cần cố gắng tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn.
Hiện nay, đã có nhiều loại xét nghiệm nhanh được Bộ Y tế cấp phép, các hiệu thuốc có bán. Vì vậy, ông Dũng khuyến cáo người dân nếu có điều kiện thì mua kit test để tự xét nghiệm; nếu kết quả dương tính thì tự cách ly, không tiếp xúc với người khác.
Sơn Hà - Viết Tuân