Bác sĩ kiểm tra thấy bụng trẻ không chướng, sờ mềm, thành ngực di động kém, mạch nhanh khó bắt. Kết quả chụp X-quang không thấy bóng hơi dạ dày ở dưới ổ bụng mà lại thấy bóng hơi dạ dày bất thường ở vị trí của phổi trái và đẩy lệch tim sang bên phải.
Các bác sĩ Khoa Ngoại, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đã hội chẩn liên khoa, chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp độ III, thoát vị hoành trái lỗ lớn tiên lượng rất nặng, chỉ định mổ cấp cứu. Lúc này, độ bão hòa oxy trong máu của bé chỉ đạt 87%, phải thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, truyền dịch, duy trì an thần.
Bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, ngày 6/8, cho biết thoát vị hoành là bệnh hiếm gặp, phức tạp. Nếu không có kinh nghiệm, bệnh dễ bị chẩn đoán với một số bệnh khác như tràn khí màng phổi hoặc kén khí phổi. "Riêng trường hợp này đang rất nguy kịch, nếu chỉ chậm trễ một chút sẽ dẫn đến tử vong", bác sĩ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, "ca phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn", bác sĩ Nguyễn Văn Trà Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức nói. Để gây mê, kíp phải kiểm soát sát huyết động, dịch truyền, nhất là việc đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm và đặt Catheter động mạch, liên tục theo dõi và điều chỉnh lượng dịch thích hợp khi trẻ đang bị mất nước, sốc chèn ép tim.
Trong phẫu thuật, bác sĩ còn phát hiện toàn bộ dạ dày, một số quai ruột bao gồm đại tràng ngang và lách đều chui qua lỗ thoát vị bên trái lên thành ngực chèn ép, làm xẹp phổi trái, đẩy tim lệch nghiêng sang phải, khiến trẻ bị suy hô hấp rất nặng, nguy cơ xoắn cuống tim.
"Để cứu bệnh nhi, kíp tiến hành đưa các tạng thoát tạng thoát vị trở lại ổ bụng, tạo vạt cơ hoành, khâu lại lỗ thoát vị ở cơ hoành và đặt ống dẫn lưu màng phổi", bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi thông tin thêm.
Sau hai tiếng, bệnh nhi qua cơn nguy kịch, chuyển về Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc để tiếp tục điều trị.
Hai ngày sau, bệnh nhi tỉnh, được chuyển sang thở oxy mask và ăn qua sonde dạ dày. Hiện, sức khoẻ của trẻ ổn định sau 9 ngày phẫu thuật. Dự kiến, trẻ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành khiến các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, gan, lách chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị. Ở trẻ nhỏ, thoát vị hoành có thể là bệnh lý bẩm sinh tức là khi sinh ra trẻ đã bị khiếm khuyết ở cơ hoành và có những biểu hiện của thoát vị hoành như suy hô hấp...
Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường gặp với tỷ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỷ lệ tử vong 30 đến 50%. Trẻ có triệu chứng suy hô hấp ngay sau sinh, khó thở, tím tái, thường thấy ngay từ nhịp thở đầu tiên, bụng lõm, ngực phồng... Trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ mang thai tháng 5 trở đi nên siêu âm, sớm phát hiện bệnh lý để phẫu thuật sớm sau sinh. Nếu không chẩn đoán và can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong ở trẻ rất cao.
Trường hợp thoát vị hoành không phải bệnh lý bẩm sinh tức là khi sinh ra cơ hoành của trẻ vẫn được hình thành nhưng do khiếm khuyết mạch máu nuôi dưỡng nên cơ hoành bị thiểu sản, mỏng như lớp màng. Lớp màng này vẫn có khả năng ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng nhưng trong quá trình phát triển của trẻ, cơ hoành không dày lên. Do đó, mỗi khi trẻ gắng sức như ho hoặc khóc to thì áp lực giữa ổ bụng với lồng ngực lại thay đổi, lớp cơ hoành mỏng này bị rách khiến ruột và các tạng khác như dạ dày, lách chui lên lồng ngực từng chút một. Qua mỗi lần trẻ hô hấp thì các tạng này lại càng chui lên lồng ngực qua lỗ thoát vị và bị mắc lại không xuống ổ bụng, dần dần khiến trẻ suy hô hấp rất nặng.
Do đó, gia đình cần theo dõi sức khỏe, chú ý đến cách hô hấp của trẻ. Nếu phát hiện bất thường cần đưa đến bệnh viện sớm để điều trị kịp thời.
Hiền Chúc