Tai nghe không dây Sony MDR-DS8000. |
Trước thời kỳ Walkman "đại náo" thế giới, tai nghe khá lớn và cồng kềnh. Rồi sau, khi kích thước và trọng lượng của nó giảm dần, tai nghe đã trở thành vận dụng không thể thiếu trong gia đình, là bạn của những kẻ mê nhạc trong đêm tối. Đến ngày nay, công nghiệp tai nghe ngày càng phát triển đã đưa ra những bộ headphone hoành tráng, nhưng cũng có những bộ nhỏ xinh nằm gọn trong vành tai (earbud) nhưng vẫn tái tạo âm thanh stereo, hay surround như một rạp hát gia đình thực thụ.
Sự khác biệt giữa tai nghe di động và tai nghe dùng trong gia đình không còn lớn nữa, tuy nhiên, mục đích sử dụng headphone lại quyết định bạn nên dùng loại tai nghe nào. Có nhiều loại headphone cho các mục đích sử dụng khác nhau: nghe nhạc stereo, xem phim hiệu ứng surround hay chơi game. Ngoài ra, sự lựa chọn cũng còn phụ thuộc vào nơi bạn định sử dụng nó: nghe lúc đi đường hay ở nhà.
Tai nghe bọc nhiễu Shure.
Earbud là loại tai nghe mới nhất, còn được biết đến với cái tên In-ear headphone, nghĩa là nằm gọn trong tai. Earbud thường được ví như tai nghe nhỏ nhưng chất lượng cao. Nó có khả năng tái tạo âm thanh sánh ngang với tai nghe kích cỡ gấp mấy chục lần. Sở dĩ earbud có thể làm được việc lớn hơn cả bản thân mình là do lợi thế về cấu trúc. Các kỹ sư đã không lầm khi tạo ra earbud với phần tai nghe nhỏ xíu nằm gọn trong tai trong của người nghe, chứ không gài vào tai ngoài như các loại earphone khác. Với cấu trúc đó, tiếng ồn xung quanh không xâm phạm được vào môi trường âm thanh tạo ra trong tai người nghe.
*'Cách không' nghe nhạc |
Điểm mạnh của loại này là khá gọn, nhẹ, có khả năng tái tạo âm thanh tốt, hạn chế tiếng ồn từ ngoài, không ảnh hưởng tới các phụ kiện thời trang khác của quý cô như hoa tai, kính mắt, mũ hay tóc. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm. Với cấu trúc đặt trong tai, người nghe không thể sử dụng liên tục trong nhiều giờ, bởi dùng lâu, sẽ có cảm giác khó chịu, và nhức đầu nếu nghe volume lớn. Ngoài ra, tai nghe nhỏ nên hạn chế trong việc tái tạo tiếng bass.
Tai nghe thể thao MPX-60.
Tai nghe thể thao (sport headphone) còn được gọi là tai nghe thời trang, đeo cổ hay tai nghe Walkman Loại headphone này thường rất nhẹ, thân tai nghe được thiết kế uốn vòm qua đầu hay uốn ngang sau cổ.
Lợi ích của nó là không ảnh hưởng tới tóc hay mũ của người sử dụng, đặc biệt ổn định trong quá trình tập thể thao. Bất lợi ở chỗ, một số tai nghe loại này được thiết kế ôm tai tới mức đeo một lúc là thấy khó chịu.
Ear-pad headphone của Sennheiser.
Tai nghe đệm tai (ear-pad headphone) còn được gọi là tai nghe semi-open hay tai nghe on-ear. Những ear-pad headphone chụp lấy vành tai bạn và có rất nhiều loại, từ hàng rẻ tiền đến hàng cao cấp. Điểm chung của loại này là thiết kế khá đóng (closed), nghĩa là chỉ cố định một chỗ trên đầu, không thể xoay chuyển tai nghe sang vị trí khác.
Nhìn chung, tai đệm chụp tai khá thông dụng do nó không cồng kềnh như tai nghe full-size và dễ mang đi mang lại. Tuy vậy, thiết kế của ear-pad headphone không hạn chế tiếng ồn của môi trường và tiếng bass chưa phải là ưu việt.
Tai nghe dạng full-size AHP 502.
Tai nghe lớn (full-size headphone) còn gọi là headphone chụp tai (ear-cup headphone). Phần lớn các tai nghe loại này trông rất hoành tráng do nó có chụp tai khá lớn và thân tai nghe cũng không mảnh dẻ chút nào.
Do kích thước lớn lại chụp tai nên âm thanh nó tái tạo khá ổn, tiếng bass dày và chống ồn từ bên ngoài. Mặc dù vậy, loại này chỉ thích hợp cho việc sử dụng tại gia và gây cảm giác nóng tai khi sử dụng lâu.
Đức Thanh (theo Cnet)