Xe chất lượng cao của Công ty TNHH Cát Tường, một đơn vị tham gia tuyến. |
Chuyến đầu tiên trong ngày xuất phát lúc 6h30', sau 30 phút lại có một chuyến. Ông Đào Ngọc Anh, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho VnExpress biết, các phương tiện tham gia tuyến này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao với thiết bị và dịch vụ hiện đại: máy điều hòa, khăn lạnh, nước uống, phương tiện cứu hỏa, y tế...
Hành khách phải trả 30.000 đồng/vé, gấp đôi so với giá bình thường. Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cát Tường cho biết, mức giá này là phù hợp vì chất lượng phục vụ sẽ cao hơn hẳn so với xe khách thường. Trước đó, công ty đã tham gia tuyến này trong 5 tháng và nhận thấy rất nhiều bất cập. Đã đến lúc cần thay đổi cung cách phục vụ để cạnh tranh với các đơn vị khác.
Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa khẳng định, các đơn vị vận tải chấp nhận lỗ trong 3-6 tháng đầu để tạo niềm tin cho khách. Sẽ cho xe chạy đúng giờ kể cả khi chỉ có một người, đảm bảo không bắt, bán khách dọc đường... Chủ tịch Hiệp hội hy vọng người dân sẽ chấp nhận giá 30.000 đồng/vé vì chất lượng phục vụ mới là yếu tố thu hút họ. Tuy nhiên, ông khẳng định, nếu cơ quan chức năng không giải quyết mạnh nạn xe dù, bến cóc thì các xe chạy tuyến này sẽ gặp khó khăn. Sắp tới, Hiệp hội sẽ nghiên cứu mở thêm các tuyến xe chất lượng cao đi Nam Định, Thái Bình và TP Vinh.
Theo thống kê của Sở GTCC Hà Nội, tuyến Hà Nội - Thanh Hóa hiện có khoảng 100 xe các loại từ 12 đến 45 chỗ, bình quân 500-800 khách/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các xe hoạt động không có đăng ký, chủ yếu chạy vòng vo bắt khách, lập bến dù, bến cóc, tạo nên tình trạng mất an ninh trật tự.
Đến nay, Sở GTCC TP đã phối hợp với các địa phương, lập được 4 tuyến liên tỉnh chất lượng cao phía Bắc (từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Việt Trì) và 1 tuyến phía Nam.
Mai Hương
Ảnh: Xuân Thu