Phác đồ ghi rõ, khi phát hiện bệnh nhân có biểu hiện của cúm, phải cách ly ngay. Bệnh nhân được điều trị suy hô hấp bằng cách làm thông đường thở, cung cấp thêm oxy. Người bệnh phải được đảm bảo dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng, được dùng thuốc kháng virus, chống bội nhiễm. Nếu bệnh nhân hết sốt 5 ngày mà không cần dùng kháng sinh, toàn trạng tốt, xét nghiệm máu, X quang tim, phổi bình thường... thì mới được xuất viện. Nhằm phòng tránh lây nhiễm, những người nghi nhiễm cúm A đều phải được chỉ dẫn tới các cơ sở y tế được chỉ định tiếp nhận, để được khám phân loại và cách ly nếu cần.
Phác đồ điều trị cúm A nói trên được đúc kết từ kinh nghiệm của các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương, nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm A thứ nhất, tính đến hôm nay. Giám đốc Bệnh viện - tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận 23 cháu nhiễm và nghi nhiễm cúm A, trong đó có 12 bệnh nhi đã tử vong, một cháu đã ra viện. Hiện còn 10 bệnh nhi đang điều trị tại đơn vị này, thể trạng ổn định.
Đến nay, tổng số người nhiễm và nghi nhiễm cúm A trong cả nước đã lên tới 31 người. Ngoài 23 cháu ở Bệnh viện Nhi trung ương (12 cháu tử vong) còn 6 người điều trị tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (2 người tử vong) và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (1 người tử vong). Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết có phải tất cả số bệnh nhân nói trên đều nhiễm virus H5N1 hay không; và nguồn lây nhiễm cho những người này cũng chưa sáng tỏ.
Hôm qua, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các gia đình ở địa phương có dịch gà cần đề phòng, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ, nhằm tránh virus cúm qua vật chủ trung gian lây sang người.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xúc tiến việc nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng cúm A - chủng H5N1. Theo hãng tin AP, chủ nhiệm Chương trình Cúm toàn cầu của WHO Klaus Stoehr thông báo các nhà khoa học thuộc Bệnh viện nhi St. Jude ở Memphis (Mỹ) và Viện quốc gia về tiêu chuẩn sinh vật học của Anh đã bào chế ra một loại vacxin phòng cúm gà H5N1 năm ngoái, hai tháng sau khi bệnh cúm gà bùng phát ở Hong Kong.
Hiện các phòng thí nghiệm ở Hong Kong và Tokyo đang cố gắng giải mã bộ gen của virus cúm H5N1 ở Việt Nam để xem có tương tự virus đã dịch ở Hong Kong năm ngoái hay không. “Nếu may mắn, tức là virus H5N1 phát hiện ở Việt Nam chính là loại ở Hong Kong, thì chúng ta có thể tuyên bố đã có trong tay một vacxin mẫu”, ông Stoehr nói.
Vacxin mà ông Stoehr nói đã trải qua những kiểm tra cơ bản để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trên gà, vật mang bệnh chính, và chồn sương. Nó cũng đã được kiểm tra về tính ổn định của gen và tính kháng nguyên. Công việc tiếp theo là kiểm tra về tính an toàn và hiệu quả của vacxin mẫu để quyết định liều dùng thích hợp. Stoehr cho biết công việc này chỉ cần chưa đến một tháng để thực hiện.
Thiên Đức