Malaysia phát hiện D614G, biến chủng nCoV đã xuất hiện tại các khu vực khác trên thế giới trước đó, trong một cụm dịch gồm 45 ca nhiễm, bắt nguồn từ một người trở về từ Ấn Độ và vi phạm lệnh cách ly. Philippines cũng tìm thấy biến chủng này trong số các mẫu xét nghiệm nCoV ngẫu nhiên ở vùng thủ đô Manila.
Trong bài đăng trên Facebook hôm 16/8, tổng giám đốc y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết biến chủng D614G "có khả năng lây lan cho cá thể khác cao gấp 10 lần", thêm rằng những ca "siêu lây nhiễm" phát tán chúng dễ dàng hơn.
Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire hôm 17/8 cũng đề cập tới khả năng lây nhiễm cao hơn của D614G, nhưng cho biết họ "vẫn chưa đủ bằng chứng chắc chắn" để khẳng định điều này.
D614G, hay còn gọi là đột biến thể G, là một biến chủng của nCoV được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Kể từ đó, virus đã đột biến vài lần. Một nghiên cứu tháng trước của Đại học Bologna, Italy, tìm ra rằng có ít nhất 6 chủng nCoV gây ra đại dịch.
Biến chủng đầu tiên, được gọi là đột biến thể S, xuất hiện hồi đầu năm, còn thể G bắt đầu được phát hiện lẻ tẻ từ giữa tháng một. Đến tháng 2, khi đại dịch lan rộng tại Mỹ và các nước châu Âu, số lượng thể G tăng lên nhanh chóng.
Các phân tích chỉ ra rằng hiện nay chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm nCoV được xác nhận trên toàn thế giới, chiếm gần 100% tại châu Âu. Mặc dù thường được tìm thấy ở Mỹ và châu Âu, sự hiện diện của D614G dần tăng lên tại châu Á kể từ tháng 3.
Gavin Smith, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Singapore, cho biết tất cả virus đều tạo ra bản sao của chính nó trong quá trình lây lan. Những sai lệch khi sao chép tạo thành các đột biến. Đối với biến chủng D614G, đột biến xảy ra khi axit amin ở vị trí 614 thay đổi từ axit aspartic (D) thành glycine (G). Kết quả là biến chủng D614 ban đầu ở Vũ Hán biến thành D614G.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell tháng trước, tiến sĩ Bette Korber, nhà sinh học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở Mỹ, cùng nhóm của bà phát hiện D614G khá hiếm hoi bên ngoài châu Âu vào đầu tháng 3, nhưng tới cuối tháng đó đã phổ biến toàn cầu.
"Trên khắp thế giới, bất chấp đại dịch ở các địa phương có nhiều trường hợp nhiễm chủng nCoV gốc, ngay sau khi biến chủng D614G xâm nhập vào một khu vực, chúng sẽ chiếm ưu thế", tiến sĩ Korber cho biết trong bài đăng trên ScienceDaily.
Nghiên cứu của bà cho thấy đột biến xảy ra trong protein gai trên bề mặt nCoV, phần cấu tạo giúp virus xâm nhập vào tế bào của người. Cũng theo chuyên gia này, D614G được phát hiện lây lan mạnh hơn so với D614 khi nuôi cấy tế bào trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Nhóm của Korber còn tìm ra rằng các bệnh nhân nhiễm D614G mang nhiều bản sao của nCoV hơn so với những người nhiễm biến chủng D614, có khả năng là lý do khiến nó lan truyền dễ dàng hơn.
Theo một nghiên cứu khác hồi tháng 6 của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu The Scripps của Mỹ, D614G có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần so với chủng nCoV gốc bởi gai protein của nó ít bị phá vỡ hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa được các chuyên gia khác thẩm định. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng những nghiên cứu trên chỉ mang tính tham khảo, không chứng minh được rằng biến chủng D614G lây nhiễm mạnh hơn.
Về mức độ gây tử vong, nghiên cứu của tiến sĩ Korber cho thấy D614G không nguy hiểm hơn so với những chủng khác, thêm rằng tỷ lệ nhập viện phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố như tuổi và giới tính.
Giáo sư Smith cũng nói rằng không có bằng chứng cho việc D614G "chết chóc hơn", đồng thời giải thích biến chủng này trở nên thống trị đơn giản bởi nó đã xâm nhập vào các quốc gia không kiểm soát tốt đại dịch.
Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, phó giám đốc điều hành nghiên cứu tại Viện Tin Sinh học Singapore, cho biết D614G có khả năng do du khách truyền vào nước này, nhưng các biện pháp phòng dịch đã giúp ngăn chặn sự lây lan. Theo phó giáo sư Hsu Liyang, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, D614G xuất hiện ở Singapore từ tháng 2 và hàng nghìn ca nhiễm có khả năng mang biến chủng này.
Giáo sư Smith đánh giá không có lý do gì để lo lắng về sự lây lan của D614G tại Singapore, nhờ các biện pháp kiểm soát được chính phủ áp đặt, nói thêm rằng một loại vaccine được phát triển để phòng chống nCoV vẫn sẽ hiệu quả đối với biến chủng này.
"Chủng đột biến này chẳng là gì, miễn là mọi người tiếp tục tuân thủ những biện pháp phòng dịch", ông nêu ý kiến, nói thêm rằng tốc độ lây truyền của virus không chỉ phụ thuộc vào cấu tạo di truyền của nó, mà còn nằm ở hành vi của con người.
"Dù là chủng virus dễ lây nhiễm nhất thế giới, nó cũng sẽ không thể lây lan nếu người nhiễm chỉ ở nhà. Tuy nhiên, nếu nó truyền vào ai đó thích ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tốc độ lây sẽ gia tăng", Smith cho hay.
Ánh Ngọc (Theo SCMP, Bloomberg)