![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Ảnh: AP. |
Tomas Pojar, Thứ trưởng Ngoại giao Czech, thông báo với các phóng viên đi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates rằng chính phủ của ông chấp nhận việc này, không chỉ bởi chia sẻ chung mối lo về nguy cơ tên lửa, mà còn vì đánh giá cao về mặt "đạo đức và lịch sử" sự hậu thuẫn của Mỹ cho nền dân chủ Czech.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Czech không vội vàng đi đến thỏa thuận ngay, và đoán rằng quyết định chấp thuận đặt lá chắn tên lửa sẽ gặp khó khăn khi qua cửa quốc hội.
"Tôi nghĩ sẽ cần thêm một vài tháng so với lịch trình mà Mỹ dự tính. Phía Mỹ kêu gọi hoàn tất việc thương thảo vào cuối năm nay và đưa ra thông qua ở quốc hội vào mùa xuân tới", Pojar nói sáng qua, khi ông Gates đang gặp Tổng thống Vaclav Klaus.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Czech cho thấy hầu hết người dân nước này phản đối việc triển khai lá chắn tên lửa trên lãnh thổ của họ.
Lầu Năm góc có ý muốn đặt 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và trạm radar ở Czech, kết hợp cùng các thiết bị khác tạo thành hệ thống đánh chặn tên lửa, được cho là nhằm bảo vệ châu Âu chống các tên lửa tầm xa xuất phát từ Trung Đông.
Đảng đối lập của Ba Lan vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp hôm chủ nhật, đồng nghĩa với việc tiến trình thương thảo giữa Washington với Warsaw có thể bị trì hoãn. Tuy nhiên Gates cho biết ông tin rằng Ba Lan sẽ đồng ý hợp tác với Mỹ.
Kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Đông Âu là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Matxcơva cho rằng hệ thống này đe dọa an ninh quốc gia Nga và cảnh báo sẽ chĩa các tên lửa Nga vào châu Âu, nếu lá chắn của Mỹ được triển khai. Washington thì khẳng định kế hoạch của họ chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ tên lửa từ các quốc gia như Iran hoặc CHDCND Triều Tiên.
T. Huyền (theo AP)