Hơn 30 năm gắn bó với chiếc xe đạp, Nguyễn Thị Thanh Huyền có đủ vinh quang mà mọi vận động viên mơ ước. Chị là người duy nhất của Việt Nam từng lên đỉnh châu Á và 4 lần vô địch SEA Games, lọt vào danh sách "gương mặt phụ nữ châu Á tiêu biểu" vào năm 2002. Thế nhưng khi chia sẻ về cuộc sống sau những tấm huy chương, Thanh Huyền nói từ "lận đận" là chưa đủ để miêu tả.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, 13 tuổi Huyền đã mồ côi mẹ, cha lại đau ốm thường xuyên. Ước mơ của chị là kiếm thật nhiều tiền để cái cơ cực của ngày tháng tuổi thơ không kéo dài. Lúc này, duyên phận đưa Huyền đến với môn xe đạp và trở thành cứu cánh cho cả gia đình. Những khoản tiền thưởng từ thành tích tốt trong những năm 2000 giúp cuộc sống của nữ cua rơ bớt khó khăn. Cũng chính nhờ xe đạp, chị gặp và kết hôn với chồng là bác sĩ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 2.
Hạnh phúc chưa được bao lâu, cuộc đời của Nguyễn Thị Thanh Huyền đã lật sang trang mới khi chồng ra đi đột ngột. Cú sốc lớn khiến chị như gục ngã. Nhiều ngày sau đó, chị tự giam mình trong phòng. "Một năm đầu, mọi lý tưởng, ước mơ về một gia đình chỉ còn lại số không. Tôi mất đi chỗ dựa tinh thần, dần dần mất luôn niềm tin về bản thân", chị nhớ lại.
Thanh Huyền trải qua chuỗi ngày sống trong tuyệt vọng, như một người đã mất đi tất cả. "Không nghề nghiệp, năng lực và trình độ giao tiếp cũng hạn chế, ngoài thể thao ra tôi chẳng thể làm được gì. Trước mắt tôi lúc đó là một tương lai bất định. Tôi đã nghĩ đến viễn cảnh bản thân như nhiều VĐV đỉnh cao sau khi giải nghệ khác, phải đi làm công nhân hoặc đi bán xôi kiếm sống".
Dẫu vậy, những năm tháng thi đấu đỉnh cao đã trui rèn cho chị ý chí, quyết tâm của một nhà vô địch. Nhìn hai con lớn lên từng ngày, chị lại có thêm động lực để vực dậy, bước vào cuộc chiến mới. Một mình chị gồng gánh luôn vai trò của người đàn ông trong gia đình, vừa phải bươn chải lo cho kinh tế, vừa vun vén, nuôi dạy hai con khôn lớn. Lúc này, xe đạp giống như "liều thuốc", chữa trị những vết thương tinh thần cho chị.
"Cuộc đời cũng như cuộc đua, không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nếu phải đối mặt, tôi sẵn sàng leo dốc. Tôi chưa chịu đầu hàng trước bất cứ con đường nào. Chính xe đạp đã giúp tôi nguôi ngoai đi nhiều nỗi đau", nữ cuaro chia sẻ.
Ngày qua ngày, những giọt mồ hôi đổ trên đường đạp xe giúp nhà vô địch vượt qua đau thương đầy mạnh mẽ. Để lo cho hai con và mẹ chồng già yếu, Thanh Huyền bắt đầu một ngày mới từ lúc 4 giờ sáng và chỉ đi ngủ sau 12 giờ đêm. Cái duyên với xe đạp cũng đưa chị đến với công tác huấn luyện viên tuyển Việt Nam. Thời gian còn lại, chị học thêm văn bằng 2 ngành Báo chí, Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn TP HCM và từng có thời gian công tác tại một tờ báo.
Thử nhiều ngành nghề nhưng không tìm được niềm cảm hứng, cuối cùng nhà cựu vô địch môn đạp xe địa hình SEA Games quyết định học lên cao học và ở lại giảng dạy bộ môn thể dục, thể hình, khiêu vũ thể thao tại Đại học Thể dục thể thao TP HCM. Hiện tại, chị cũng là diễn giả cho nhiều hội thảo về khoa học thể thao.
"Sau nhiều năm, tôi tìm lại được niềm tin và tình yêu với cuộc sống. Là một diễn giả, tôi muốn mang niềm tin đó để truyền động lực cho thật nhiều người, đặc biệt là những người phụ nữ đang phải gồng gánh những khó khăn. Chúng ta ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", chị Huyền chia sẻ.
Thời gian rảnh rỗi, nhà cựu vô địch hướng dẫn hai con tập luyện môn thể thao mà mình đam mê. Chị cho con đạp xe, dạy chúng sống hòa đồng với tất cả mọi người. Mỗi ngày, người mẹ hai con dành ít nhất một giờ để chinh phục những cung đường đủ loại địa hình khác nhau. Chị cùng hai con rong ruổi khám phá nhiều cung đường.
Đầu tháng 5, cả gia đình đã có một chuyến đạp xe 4 ngày, vượt quãng đường 100 km từ Di Linh (Lâm Đồng) đến vườn Quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông). Cung đường đèo dốc, lại gặp mưa to là những thách thức với cả những cua rơ chuyên nghiệp, nhưng cả hai bé đều quyết tâm đạp đến cùng. Ban đêm, khi cắm trại, cả gia đình lại quây quần. Những chuyến đạp xe là những khoảnh khắc quý giá, gắn kết gia đình và phần nào bù đắp được những thiếu thốn về mặt tinh thần của các bé.
Thời gian gần đây, dịch bệnh khiến Thanh Huyền không thể cùng gia đình đạp xe đi xa nhưng vẫn duy trì tập luyện mỗi ngày. Chị cũng đăng ký tham gia giải đạp xe ảo "Ride safe, stay safe" ở cự ly 300km với mục tiêu là đạp để khỏe, đạp để vui và vui để đạp. Giải thu hút gần 3.000 vận động viên tham dự.
"Xe đạp là bộ môn tuyệt vời cho mọi lứa tuổi. Tôi muốn truyền động lực cho thật nhiều người dù ở độ tuổi nào cũng có thể đạp xe vì sức khỏe của cộng đồng".
Hoài Phương