- Bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều trung vệ tài năng, mà hiện tại có thể kể đến Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh hay Quế Ngọc Hải. Cá nhân anh đặt mình ở đâu trong dòng chảy đó?
- Chuyện chuyên môn, trình độ hoặc ai hơn ai kém thì vô cùng lắm, vì còn tuỳ thuộc vào bối cảnh thực tế. Tôi không muốn nhận xét về ai. Còn nếu nói về bản thân, sự nghiệp của tôi có thể gói gọn trong câu: "Trưởng thành trong khói lửa".
Bây giờ các cầu thủ trẻ có tài là được thoải mái thể hiện, chứng minh bản thân và xã hội ghi nhận. Ngày xưa bóng đá khác lắm, nhiều chuyện phía sau. Tôi từ khi ở đội trẻ đã bị dồn ép, chính từ các đàn anh. Mình lại là dân ngoại tỉnh nữa. Trong đội thì đủ kiểu bè phái. Nếu yếu bóng vía sẽ không thể đá được. Nhưng tôi khác, chẳng sợ gì, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu cho mình.
- HLV Henrique Calisto từng nói: "20 năm Việt Nam mới có một người như Lê Công Vinh, 50 năm mới có một người như Nguyễn Hồng Sơn nhưng phải hơn 100 năm mới sản sinh ra được Vũ Như Thành thứ hai". Thực tế, câu nói đó như thế nào?
- HLV Calito rất hiểu tôi, và biết cách khơi gợi tinh thần chiến đấu trong tôi. Ông ấy biết tôi không phải là cầu thủ gương mẫu, nhưng một khi chăm chỉ làm việc, nhất định đạt kết quả tốt. AFF Cup 2008 là ví dụ điển hình.
Ngay trong đợt tập trung đầu tiên chuẩn bị cho giải đấu, Calisto đã gọi riêng tôi ra nói chuyện. Ông ấy bảo Đồng Tâm Long An và Bình Dương là hai CLB đóng góp nhiều tuyển thủ nhất, nhưng khi tập trung thì không còn chuyện CLB nữa, chỉ có một đội tuyển Việt Nam. Ông ấy hiểu tôi là đầu lĩnh và thông qua tôi muốn dung hoà các cầu thủ đến từ nhiều nơi khác nhau. Kết quả, năm đó Việt Nam có một đội tuyển đoàn kết, tinh thần chiến đấu cao và vô địch. Sau này, tôi hơi tiếc một chút. Với một HLV tài ba và lứa cầu thủ tốt như thế, nếu tập trung hơn, cố gắng hơn, chúng tôi có thể duy trì thành tích đỉnh cao thêm một - hai năm sau chức vô địch trên sân Mỹ Đình.
- Trong cuộc đời và sự nghiệp, có lẽ anh còn nhiều điều phải tiếc nuối?
- Tôi trưởng thành từ hai bàn tay trắng, nhờ bóng đá mà có nhiều tiền. Tôi lại là thằng rất biết kiếm tiền ngoài bóng đá. Ngày còn thi đấu, tôi dùng tiền lót tay, lương thưởng để đầu tư vào bất động sản ở Bình Dương và TP HCM. Cuối những năm 2000, tôi thậm chí đã có tầm 50 tỷ đồng. Kiếm được nhiều nhưng tôi quản lý kém, mà nói thật ra là dính vào vũ trường và đặc biệt là đánh bóng. Nếu không chơi cá độ, có lẽ tôi không hết được tiền.
Chuyện chơi bời của tôi thì nhiều người biết. Có lẽ vì vậy mà bị thêu dệt kinh lắm, kiểu như mất mấy tỷ một đêm hay liên tục bị xã hội đen đến đòi nợ... Thực tình cũng có người đến đòi thật, đó là hồi còn đá cho Ninh Bình giai đoạn 2010-2012, nhưng không phải liên tục (cười).
Tôi mất nhiều nhưng chưa bao giờ hối tiếc và cũng không bao giờ kêu ca. Lúc mình có, mình chẳng cho ai thì bây giờ kêu gì. Mình làm không đúng thì mình chịu hậu quả thôi. Lúc này tôi cũng chẳng muốn nói nhiều tới chuyện tiền bạc. Cái gì qua rồi cho qua. Mình phải cố gắng xây dựng lại thôi. Tôi bây giờ vẫn lo được cho gia đình. Nói giàu sang thì biết thế nào cho đủ. Nhưng nhìn ra nhiều người còn khó khăn hơn mình.
- Sự sa ngã của anh là do đâu?
- Có nhiều việc quả thực không giải thích được. Cuộc sống vốn có nhiều ngã rẽ. Tự dưng mình rẽ sang một hướng sai và trượt dài thôi.
- Trong suốt sự nghiệp từ năm 2001 đến 2018, anh trải qua bảy CLB chuyên nghiệp khác nhau như Thể Công, Bình Dương, Hải Phòng... rồi cuối cùng là Phù Đổng. Đâu là quãng thời gian khiến anh nhớ nhất?
- Phải nói đến đầu tiên là vụ rời Nam Định khiến tôi bị cấm thi đấu khi mới là cầu thủ trẻ.
Tôi là trai Nam Định, nhà phố Hai Bà Trưng, 14 tuổi đã vào lò đào tạo trẻ của CLB tỉnh. Năm 16 tuổi, thấy chú Đặng Gia Mẫn đưa hai con trai là Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương gia nhập Thể Công, tôi cùng gia đình làm theo. Lúc đó ai chẳng mê Thể Công, một đội bóng quân đội có tiếng, với rất nhiều hảo thủ khoác áo đội tuyển quốc gia. Tôi tập luyện ở Nam Định nhưng chưa ký hợp đồng gì nên đi được. Tuy nhiên, chuyện kiện cáo khiến tôi bị cấm thi đấu một năm. May là lúc đó ở đội trẻ, chưa có nhiều giải để đá nên không bị sốc. Bị cấm thi đấu không ảnh hưởng nhiều bởi tôi vẫn tập luyện bình thường.
Tôi khoác áo Thể Công từ năm 2001 tới năm 2004. Nhưng từ cuối năm 2003 tôi đã không thi đấu vì dính nghi án bán độ khi là thủ quân đội tuyển Việt Nam tại cúp giao hữu JVC. Tôi bị treo giò năm năm. Lúc đó sốc lắm, treo giò vậy thì coi như xong sự nghiệp. Nhưng sau đó tôi được giảm xuống hai năm rưỡi, tuổi còn trẻ nên làm lại được.
Sáu tháng trước khi mãn án treo giò, Bình Dương liên hệ. Một số anh lớn ở CLB lúc đó giá chuyển nhượng khoảng một tỷ đồng. Vậy mà cầu thủ hai năm không đá trận nào như tôi được nhận tới hai tỷ. Tôi biết không có gì vô lý cả. Bình Dương cũng cân nhắc kỹ lắm trước khi xuống tiền. Họ biết trình của tôi, biết tôi còn trẻ và theo dõi tôi tập. Tôi tràn đầy khát khao làm lại cuộc đời. Bình Dương lúc đó cũng giống tôi, đang muốn xây dựng lại. Vậy là đôi bên tìm đến nhau. Đây là quyết định đúng đắn. Chỉ sáu tháng sau khi thi đấu trở lại ở Bình Dương, tôi đã được gọi lại đội tuyển quốc gia. Tại đó, tôi cũng hai lần vô địch V-League liên tiếp năm 2007 và 2008.
- Cho đến bây giờ, nghi án bán độ năm 2003 vẫn là một dấu hỏi. Nhiều người cho rằng Vũ Như Thành đứng ra nhận tội thay chứ không phải chủ mưu. Anh lý giải thế nào?
- Lúc đó án phạt dành cho tôi gồm nhiều nhiều lý do lắm, nào là thi đấu không tích cực, nào là vi phạm kỷ luật sinh hoạt nội bộ, nào là bán độ... Nhưng mọi cái đều chung chung, không có điều tra cụ thể. Tôi không muốn nhắc lại nữa, vì luôn xem đó là sự vấp ngã trên con đường mình đi thôi.
- Thế còn trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh?
- 16 năm chính chiến, tôi trải qua rất nhiều trận đấu lớn với Singapore, Malaysia hay Thái Lan, những đối thủ sừng sỏ trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng tuyệt vời nhất là năm 2008 khi chúng ta đánh bại Thái Lan để lên ngôi vô địch AFF Cup. Phải thừa nhận Thái Lan ngày xưa sở hữu nhiều cầu thủ tốt, trình độ hơn hẳn. Để đánh bại họ, chúng tôi phải đá bằng tinh thần đồng đội, sự đoàn kết mà HLV Henrique Calisto xây dựng. Thực sự, có trận chúng tôi phải nhờ tinh thần để sống sót qua những thời khắc khó khăn.
Và còn một trận đấu nữa, dù là giao hữu nhưng cũng rất đáng nhớ, là màn so tài với Olympic Brazil năm 2008. Tôi được đối đầu với những danh thủ thế giới như Ronaldinho, Marcelo, Pato... Có lẽ rất lâu nữa mới lại có một đội tuyển lớn như thế sang Việt Nam.
- Cuộc sống sau khi giã từ bóng đá của Vũ Như Thành ra sao?
- Sau khi chia tay sân cỏ, tôi cũng tính theo nghiệp HLV, nhưng rồi gác lại ý định đó để xây dựng Trung tâm bóng đá cộng đồng Star Football. Lúc đầu chỉ định mở hai, ba điểm nhưng rồi mọi chuyện thuận lợi, trung tâm phát triển hơn dự tính. Tôi từng mở đến 13 điểm, nhưng thu gọn lại thành 10 điểm cho tiện quản lý. Bây giờ, có gần 500 cháu đang theo học, độ tuổi từ 6 đến 15.
Bắt tay vào xây dựng trung tâm, tôi chẳng ngại việc gì. Từ bê đồ tới đứng lớp giảng dạy, chạy khắp các điểm, lại lo quản lý nhân sự gần 20 người làm. Tiếc là hiện tại trung tâm phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19. Nhưng tôi thuê sân, trả tiền thầy theo buổi nên cũng không bị âm vốn nhiều lắm.
- Có vẻ như bây giờ anh đã trở thành một người làm kinh doanh rồi. Điều đó khác gì nhiều so với hồi còn là cầu thủ?
- Không ai giỏi kinh doanh ngay. Người học kinh tế ra làm ăn còn khó khăn nữa là cầu thủ như tôi. Làm một, hai điểm thì đơn giản, nhưng phát triển lên, mở rộng thị trường là chuyện khó. Đó không chỉ là công tác chuyên môn, chỉ dạy các em chơi bóng mà còn vấn đề làm hình ảnh, truyền thông, quảng cáo, quản lý nhân sự. Tôi cũng có nhiều bài học rồi.
Riêng chuyện chuyên môn, tôi không khó khăn gì. Mình từng được đào tạo sao thì dạy lại các em như thế, từ đá lòng, sút mu, chuyền, di chuyển không bóng... Khác biệt có chăng là chúng tôi trước đây là những cầu thủ tuyển chọn, chất lượng tốt, còn đây là bóng đá cộng đồng, mọi em nhỏ đều có thể tham gia, đá cho vui khoẻ.
Trong quá trình đào tạo, tôi cũng phát hiện ra những em có năng khiếu nên gộp lại thành những lớp tuyển chọn. Rồi khi các lò đào tạo chuyên nghiệp như Viettel hay PVF tuyển sinh thì giới thiệu. Chúng tôi không giữ riêng cho mình.
- Vì sao anh quyết định chọn việc phát triển các trung tâm bóng đá cộng đồng là con đường để làm lại cuộc đời?
- Nhiều người nói tôi quá khó khăn về kinh tế nên làm trung tâm bóng đá. Thực ra không phải vậy. Ba năm khoác áo Tây Ninh, từ năm 2014 tới 2016, thu nhập không cao như trước nhưng tôi cũng đủ trang trải cuộc sống, không đến mức túng thiếu. Tôi có nhà, có xe, như vậy đâu phải tệ. Nhiều cầu thủ hiện tại khoác áo đội tuyển cũng chưa chắc có được như thế.
Tôi quyết định làm lại cuộc đời, phần lớn đến từ việc có con ba năm trước, thằng nhóc Vũ Đức Trí ấy. Con cái thay đổi chúng ta nhiều lắm. Tôi bây giờ không sống cho bản thân nữa. Tôi thấy cần xây dựng cái gì đó đường dài, để chăm lo cho con cái. Việc ăn chơi đã đến lúc dừng lại.
Mới đây, tôi mua chiếc Kia Morning. Xe cộ giờ phục vụ công việc, đưa đón con đi học chứ không còn vì bóng bẩy ăn chơi như xưa. Trước tôi từng mê xe cộ, sở hữu cả Porsche hay Lexus. Nhưng bán nhanh lắm. Mấy ông chơi như mình đâu giữ được gì.
Lâm Thoả