![]() |
Cựu tuyển thủ Mạnh Dũng. |
- Những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời cầu thủ của anh?
- Năm 17 tuổi (1987), tôi được xếp vào đội hình 2 của Thể Công, 19 tuổi được đá chính ở đội 1, năm 1992 rời khỏi đội vì mang bệnh (dây thần kinh hông bị chèn làm tôi không thể chạy nhảy được), năm 1993 trở lại CLB và giành được vị trí chính thức, năm 1997 được gọi vào đội tuyển quốc gia, năm 1998 cùng Thể Công đoạt chức vô địch quốc gia...
- Hình như còn một cột mốc mà anh đã quên?
- Nhớ như in đấy chứ. Năm 1999, khi Thể Công gặp đội Samsung Blue Wings (Hàn Quốc) trong khuôn khổ Cup C1 châu Á tại sân Hà Nội, vừa vào trận tôi đã bị chấn thương và giã từ cuộc đời cầu thủ.
- Anh có hận người đã gây chấn thương?
- Không. Pha tranh chấp diễn ra ngay khu vực 5m50, tôi nhanh chân phá bóng cứu nguy cho khung thành, vừa lúc cầu thủ số 11 của đội bạn sút tới. Ở tình huống ấy, không ai có lỗi cả.
- Ngay sau khi va chạm, anh cảm giác như thế nào?
- Tôi chỉ thấy nhói đau. Nhưng vừa đứng lên thì choáng váng, phần chân ngay ống quyển gập lại, tôi đổ vật xuống sân. Cả hai xương ống quyển đều bị gãy. Tôi chỉ kịp nghĩ: "Thế là hết!".
- Mất bao lâu anh mới cân bằng trở lại?
- Phải mất 3 tháng trời nằm trên giường. Lúc đầu, tôi cảm thấy rất hụt hẫng. Đang là một cầu thủ đá chính thức bỗng trở thành người đứng bên lề, một cầu thủ mà không được chơi bóng thì đau khổ gì bằng. Cũng may, trong lúc nằm trên giường bệnh, tôi đã nghiệm ra được nhiều điều và bình tĩnh lại.
- Điều gì vậy?
- Tôi nhận ra rằng lúc mình đang ở đỉnh cao, không bao giờ thiếu người quan tâm. Thế nhưng, khi hoạn nạn, chỗ dựa vững chắc nhất lại là gia đình. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải dễ nhận ra, nhất là khi mình thành công lúc còn quá trẻ. Trong cái rủi cũng có cái may, tôi đã tìm được một người sẵn lòng chia sẻ khó khăn mà hoàn toàn không mê bóng đá. Cô ấy bây giờ là vợ tôi.
- Với anh, bóng đá có ý nghĩa gì?
- Bóng đá là tất cả sự đam mê của tôi. Khi biết mình không còn khả năng chơi bóng như một cầu thủ, tôi đã cố gắng làm một nghề nghiệp liên quan tới bóng đá. Tách khỏi môi trường bóng đá, tôi như cá tách khỏi nước vậy.
- Làm HLV ư?
- Tôi đang được cơ quan cho đi học lớp đại học TDTT tại chức và làm phụ tá HLV cho đội tuyển 2 của CLB Thể Công.
- Anh có nghĩ rằng một cầu thủ giỏi sẽ dễ dàng thành một HLV giỏi?
- Không, tôi không nghĩ như vậy. Một cầu thủ muốn trở thành HLV phải học rất nhiều. Học, đó là phương pháp hiệu quả nhất để một cầu thủ trở thành HLV.
- Từng là hậu vệ số một của đội tuyển quốc gia dưới thời ông A. Riedl, anh nhắn nhủ gì với các "đàn em" chơi cùng vị trí?
- Đá dũng mãnh, nhưng phải có kỹ thuật. Tranh chấp quyết liệt, nhưng không phải là đá "gấu". Tôi luôn nghĩ rằng một hậu vệ giỏi là người phải có cái đầu lạnh và biết tính toán. Lúc còn đá bóng, suốt một mùa giải, nhiều lắm tôi chỉ nhận 2 hoặc 3 thẻ vàng.
- Mục tiêu sắp tới của anh là gì?
- Cố gắng học hỏi thêm để trở thành một HLV giỏi.
(Theo Thể Thao TP HCM)