Ngày 5/8, vẫn cái dáng phốp pháp như hàng chục năm trước, ông Liên Khui Thìn trông trẻ hơn tuổi 61 khi có mặt tại "Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” do Công an TP HCM tổ chức. Cười khá tươi khi chia sẻ tại buổi lễ, ông cho biết từng bị kết án tử hình, rồi may mắn được giảm xuống án chung thân và được đặc xá năm 2009.
Ông kể, thời gian thụ án tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) đã được các cán bộ tạo nhiều điều kiện để phát triển năng lực bản thân. Những ngày tháng ở đây ông nhận thấy phần lớn các phạm nhân đang trong độ tuổi lao động nhưng có trình độ văn hoá, nhận thức thấp. Tuy nhiên, sau một thời gian lao động và cải tạo có hiệu quả, họ biết tôn trọng kỷ luật và cách sống trong môi trường tập thể.
Tâm sự với nhiều phạm nhân, ông Thìn biết được rằng, một trong các nguyên nhân khiến họ phải quay lại trại giam vì sau khi chấp hành án tù, về địa phương họ không tìm được việc làm. Ngoài việc họ không có tay nghề, trình độ văn hoá thấp, các công ty cũng e ngại về quá khứ của họ nên không nhận vào làm, dẫu rằng họ đã tiến bộ rất nhiều trong thời gian cải tạo.
Tin rằng ý chí cải tạo tốt cùng với môi trường tích cực từ cộng đồng sẽ giúp những người từng lầm lỡ tái hoà nhập hiệu quả, ông lập Quỹ hoàn lương (sau này đổi tên là Quỹ hoà nhập và phát triển cộng đồng). "Bản thân tôi lúc bấy giờ cũng không biết nó hoạt động ra sao, kinh phí lấy từ đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng, các phạm nhân sau khi ra tù gặp những khó khăn, bế tắc trong vấn để hoà nhập có thể tìm đến nhờ hỗ trợ”, ông kể.
Chỉ đến khi có điều kiện tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, luật sư, trường dạy nghề… có cùng nguyện vọng thì Quỹ hoàn lương mới thật sự phát triển. Thông qua quỹ này đã có nhiều trường dạy nghề sẵn sàng dạy miễn phí, nhiều cơ sở kinh doanh bán chịu sản phẩm cho những người mới ra tù nếu họ muốn kinh doanh. “Điều này cho thấy những người lầm lỡ, những người vi phạm pháp luật không phải là người bỏ đi mà xã hội vẫn luôn cởi mở, rộng vòng tay thân ái để họ làm lại cuộc đời”, ông Thìn nói.
Anh Hùng chia sẻ về câu chuyện đời mình. Ảnh: Quốc Thắng. |
Trong hội nghị, nhiều người chấp hành xong án tù, trở về xã hội thành công trong nhiều lĩnh vực đã được tuyên dương. Trong đó có anh Lê Thừa Dương Hùng, tức Hùng “Sầu”, một giang hồ từng nhiều năm đâm chém, gây kinh hoàng cho người dân. Nhưng sau khi mãn hạn tù, anh tạo dựng sự nghiệp kinh doanh và giúp hàng trăm người cùng hoàn cảnh có việc làm ổn định.
Người đàn ông có đôi lông mày rậm, ánh mắt sâu và làn da đen sạm đã hoàn lương được hơn 12 năm sau khi chịu án 6 năm tù. Vượt bao trở ngại khi quay lại cuộc sống, hiện anh là chủ 2 cơ sở điêu khắc ở huyện Hóc Môn (TP HCM) và Đăk Nông.
Anh kể, hơn chục năm đã qua nhưng đến giờ nhiều đêm vẫn giật mình tỉnh giấc, vã mồ hôi khi nhớ đến quá khứ đâm chém của mình. Anh thừa nhận dù không trực tiếp đâm ai nhưng cũng gián tiếp tước đi sinh mạng của 2 người. “Những ám ảnh này đến tận bây giờ vẫn chưa phai hết trong lòng, tôi vẫn còn ray rứt ăn năn”, anh kể.
Với anh, quá trình làm lại cuộc đời gặp rất nhiều trắc trở. Bản thân có nhiều tiền án, tiền sự và từng bị truy nã toàn quốc nên khi về lại xã hội, muốn làm lại con người tốt thì hấu như tất cả mọi người xung quanh không ai tin tưởng, chấp nhận. “Không ai tin rằng một tên giang hồ như tôi có thể làm được những điều lương thiện nên đi xin việc ở đâu người ta cũng lắc đầu”, cựu "đầu gấu" kể.
Tuy nhiên, với quyết tâm làm lại cuộc đồi, anh đã vượt qua nhiều dèm pha, dị nghị thậm chí coi thường để học được nghề điêu khắc gỗ. Được một người bạn giúp đỡ, cuối cùng anh cũng được vào làm tại một công ty mỹ nghệ ở quận 12, TP HCM. Anh Hùng luôn tâm niệm sau này, nếu có điều kiện và cơ hội, anh sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình.
Sau 4 năm siêng năng làm việc, đến năm 2005, anh thuê mặt bằng để mở xưởng điêu khắc cho riêng mình. Từ đó anh người đàn ông giang hồ năm nào đã đào tạo hàng trăm người, chủ yếu là trẻ cơ nhỡ và những người vừa ra tù. Biết cái uy, cái tình của anh, nhiều gia đình đã đưa con em đến đây để nhờ anh cai nghiện và dạy nghề. Nhiều người đang có mức lương trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng mỗi tháng.
Chia sẻ về lý do dang tay với những người lầm lạc, anh Hùng cho biết: "Những người như tôi ngày xưa, ngay cả gia đình cũng coi thường chứ đừng nói đến ngoài xã hội. Nhưng tôi đã làm lại được và muốn nhân rộng cho những người có hoàn cảnh như tôi. Nhìn các bạn thành công, tôi cũng cảm thấy mình đi đúng hướng”.
Theo Công an TP HCM, hiện số người chấp hành xong án phạt tù chưa xoá án tích trên địa bàn là gần 30.000, trong đó có 4.800 người được đặc xá. Bên cạnh đó, mỗi năm có hàng nghìn người chấp hành xong án phạt trở về địa phương nhưng không có tay nghề, trình độ học vấn thấp nên không có việc làm ổn định, nguy cơ tiếp tục vi phạm pháp luật là rất lớn.
Theo thống kê, năm 2012 công an đã khởi tố 6.317 người trong đó 382 người tái phạm tội chiếm hơn 6%. Năm 2013, trong số 7.460 người bị khởi tố thì có 391 người tái phạm tội (5,24%). Để giúp đỡ, cảm hoá những người chấp hành xong án phạt tù, chính quyền địa phương đã tổ chức phong trào “Toàn dân xây dựng khu phố, ấp không có tội phạm ẩn náu hoạt động” và “Khu phố, ấp có tội phạm bị phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời”… Một số phong trào đã được hưởng ứng tích cực, vận động được nhiều người sau khi chấp hành án phạt tù tham gia.
Quốc Thắng