Sáng 2/10 tại Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố tổ chức gặp mặt gần 400 chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tù đày ở hơn 30 nhà tù chính trị trên khắp đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Trong số họ, nhiều người sau này giữ chức vụ quan trọng của chính quyền, có người được vinh danh công dân thủ đô ưu tú.
Các cựu tù cách mạng cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm khi bị địch bắt, tù đày. Ông Trần Bốn, cán bộ tiền khởi nghĩa, tự hào không nhà tù nào dập tắt được ý chí kiên cường của người chiến sĩ, ngược lại họ đã biến nơi địa ngục trần gian thành những trường học cách mạng.
"Chúng tôi luôn tự hào khi giữ được phẩm chất cao quý của dân tộc và ghi nhận công ơn của Đảng trước đây đã dày công nhắc nhở, chỉ bảo chúng tôi về trách nhiệm và nhân cách của người cách mạng, luôn đặt lợi ích dân tộc trên lợi ích cá nhân", thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Liên lạc nhà tù thành phố Hà Nội nói.
Bên cạnh niềm vui ngày gặp mặt, những trăn trở về Hà Nội sau 60 năm giải phóng được nhiều cựu tù nhắc đến.
"Niềm vui còn chưa thực sự trọn vẹn khi đất nước vẫn còn kém phát triển. Hà Nội là thủ đô nhưng khoảng cách giàu nghèo còn xa. Chủ quyền biển đảo lãnh thổ bị đe dọa nghiêm trọng, lòng tin của đông đảo nhân dân với các cơ quan nhà nước bị xói mòn. Hình ảnh thủ đô phai nhạt dần, nhiều chuẩn mực đạo đức bị vi phạm, ảnh hưởng xấu đến vị thế trung tâm của cả nước", tướng Hương trăn trở.
Ông chia sẻ, đó là suy nghĩ và lo lắng của cả một thế hệ từng trải qua thời kỳ thử thách của dân tộc và là tiếng nói từ trái tim, luôn mong Hà Nội mãi xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Ông Hoàng Gia Lượng, cựu tù Phú Quốc, lại nghĩ nhiều về thế hệ trẻ hôm nay. Theo ông ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, tuổi trẻ luôn là rường cột, là lực lượng đi đầu của đất nước. Thế hệ ông sinh ra trong chiến tranh, coi việc cầm súng bảo vệ tổ quốc là bổn phận, là lẽ đương nhiên và không tính toán được mất cho riêng mình. Còn công cuộc xây dựng đất nước, xin nhường lại cho thế hệ sau.
Ông Lượng khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người đi trước luôn kỳ vọng và sẵn sàng trở thành chỗ dựa cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, ông kiến nghị nhà nước cần phải có chính sách thiết thực hơn để chăm lo cho những người thuộc diện chính sách, có công trong kháng chiến.
Tham dự buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, với tư cách là một đồng đội từng bị địch bắt, tù đày, ông xúc động khi thấy nhiều cựu tù chính trị sống và công tác trên địa bàn Hà Nội dù tuổi cao, sức yếu vẫn có mặt tại đây. Chủ tịch nước đề nghị những người đứng đầu các bộ ngành và lãnh đạo thủ đô quan tâm, xem xét lại những chính sách trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng như kiến nghị mà các cựu tù đã nêu.
Hoàng Phương