Trong một báo cáo gửi công tố viên đặc biệt Robert Mueller ngày 4/6, đặc vụ FBI Brock Domin cho biết hồi tháng hai, Manafort, cựu trợ lý của Trump, liên tục gọi điện và gửi tin nhắn mã hóa cho hai người thuộc "Nhóm Hapsburg" mà ông ta làm việc cùng trong chiến dịch vận động hành lang cho các chính trị gia Ukraine, theo Reuters.
Hồ sơ của tòa án cho thấy, những tài liệu và báo cáo thu thập được từ hai người này cho thấy Manafort đã tìm cách mua chuộc để các nhân chứng khai man về các hoạt động của "Nhóm Hapsburg" bị cáo buộc tiến hành vận động hành lang bất hợp pháp cho Ukraine.
Hoạt động liên lạc của Manafort nhằm "gây ảnh hưởng đến lời khai của họ và che giấu bằng chứng khác", FBI khẳng định, đồng thời cho biết "cuộc điều tra về vấn đề này đang diễn ra". Việc Manafort liên lạc với cộng sự cũ trong thời gian tại ngoại cũng bị cho là vi phạm các điều khoản bảo lãnh.
Manafort, 68 tuổi, làm việc cho Trump tháng 6-8/2016 rồi từ chức giữa lúc có thông tin nhận hàng triệu USD phi pháp để vận động hành lang cho một đảng chính trị ủng hộ Nga ở Ukraine. Manafort là thành viên cao cấp nhất trong chiến dịch tranh cử của Trump bị truy tố dù các tội danh không liên quan đến hoạt động của chiến dịch.
Manafort bị công tố viên đặc biệt Mueller truy tố tại tòa án liên bang ở Virginia và Washington D.C với một loạt cáo buộc như rửa tiền, trốn thuế, gian lận ngân hàng và vận động bất hợp pháp. Manafort không nhận tội và hiện bị quản thúc tại gia sau khi được phóng thích tháng 10 năm ngoái.
Mueller kêu gọi Thẩm phán Amy Berman Jackson "kịp thời" lên kế hoạch điều trần về việc liệu có nên thay đổi điều kiện phóng thích Manafort, dẫn đến khả năng Manafort có thể phải vào tù.
Công tố viên đặc biệt Mueller đang dẫn đầu cuộc điều tra khả năng chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump thông đồng với chính phủ Nga trong việc làm gián đoạn hay tác động đến cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Huyền Lê