Quốc hội Sri Lanka hôm nay họp bầu tổng thống mới, sau khi chấp nhận đơn từ chức của ông Gotabaya Rajapaksa hôm 15/7. Dhammika Dasanayake, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, đọc đơn xin từ chức của cựu tổng thống trong cuộc họp.
Trong thư, ông Rajapaksa giải thích cuộc khủng hoảng tài chính của Sri Lanka bắt nguồn từ nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém trước khi ông làm tổng thống. Đại dịch Covid-19 làm giảm đáng kể nguồn thu từ khách du lịch cùng lượng kiều hối chuyển về nước suy giảm khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.
"Tôi tin tưởng bản thân đã thực hiện mọi cách có thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm mời các nghị sĩ thành lập một chính phủ đa đảng và đoàn kết", ông viết trong thư.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland, Anh tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.
Rajapaksa chạy trốn khỏi đất nước bằng cách bay sang Maldives rồi tới Singapore sau khi hàng trăm nghìn người biểu tình tràn ra đường phố Colombo một tuần trước, chiếm các tòa nhà chính phủ. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hiện đảm nhiệm vị trí quyền tổng thống.
Quốc hội Sri Lanka sẽ tiếp tục họp vào 19/7 để tiếp nhận các đề cử ứng viên tổng thống và bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới cho đất nước vào hôm sau.
Ranil Wickremesinghe, người đã 6 lần làm thủ tướng, được chọn là ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, người biểu tình coi Wickremesinghe là đồng minh của Rajapaksa nên nếu ông đắc cử, bất ổn có thể vẫn tiếp diễn ở Sri Lanka.
Sajith Premadasa là ứng viên tổng thống do phe đối lập đề cử, còn Dullas Alahapperuma, nhà lập pháp cấp cao của đảng cầm quyền, được coi là nhân tố có thể gây bất ngờ.
Hơn 100 cảnh sát và nhân viên an ninh trang bị vũ khí đã dàn hàng trên tuyến đường tới trụ sở quốc hội hôm nay, sẵn sàng sử dụng rào chắn và vòi rồng để ngăn chặn bất kỳ cuộc bạo loạn nào. Lực lượng an ninh đi tuần trên một tuyến đường khác dẫn tới tòa quốc hội dù không có dấu hiệu nào của người biểu tình.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Sri Lanka yêu cầu chính quyền giải quyết khủng hoảng kinh tế diễn ra từ nhiều tháng trước khi lên đỉnh điểm hôm 9/7. Người biểu tình đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa và đồng minh lãnh đạo yếu kém khiến lạm phát phi mã, đẩy đất nước vào cảnh thiếu thốn hàng hóa cơ bản, nạn tham nhũng tràn lan.
Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm xuống gần bằng 0, lạm phát tháng trước lên tới 54,6%, xếp hàng vài ngày chờ mua nhiên liệu đã trở thành thường lệ ở đảo quốc 22 triệu dân.
Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho hay Sri Lanka hôm nay đã nhận lô hàng nhiên liệu đầu tiên trong ba tuần. Hai lô nữa sẽ tới trong vài ngày tiếp theo. Ông nhấn mạnh Sri Lanka đã thanh toán cả ba lô hàng.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)