Các đảng đối lập ở Sri Lanka như Samagi Jana Balawegaya, Janatha Vimukthi Peramuna hôm 28/7 cho biết sẽ đệ đơn cáo buộc tham nhũng chống lại cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa nếu ông về nước. Liên minh Quốc gia Tamil đại diện cho người Tamil, dân tộc thiểu số lớn nhất ở Sri Lanka, cũng đã yêu cầu ông Rajapaksa phải đối mặt cáo buộc tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự chống quân nổi dậy Tamil năm 2009, khi ông là bộ trưởng quốc phòng.
Theo các nhà quan sát, những người dân Sri Lanka đang chịu đựng tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men trầm trọng sẽ không chào đón ông Rajapaksa trở lại.
"Nếu Gotabaya Rajapaksa về nước, thật khó để ông ấy được an toàn ở Sri Lanka", một nhà phân tích chính trị giấu tên cho biết.

Cựu tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland, Anh tháng 11/2021. Ảnh: Reuters.
Ông Rajapaksa, 73 tuổi, nhập cảnh Singapore với tư cách dân thường vào ngày 14/7, sau khi tháo chạy khỏi Sri Lanka do các cuộc biểu tình. Ông sau đó gửi đơn từ chức và được quốc hội Sri Lanka chấp thuận.
Truyền thông Singapore hôm 27/7 đưa tin ông Rajapaksa có thể ở lại quốc đảo thêm 14 ngày, vì thị thực ngắn hạn của ông được gia hạn đến 11/8. Cựu tổng thống Sri Lanka ban đầu ở lại một khách sạn ở trung tâm thành phố nhưng được cho là đã chuyển đến một căn hộ riêng. Ông tránh gây sự chú ý và chưa xuất hiện tại nơi công cộng.
Bandula Gunawardena, người phát ngôn nội các Sri Lanka, ngày 26/7 cho biết ông Rajapaksa "sẽ về nước" nhưng không biết chính xác thời điểm. Ông nhấn mạnh cựu tổng thống không lẩn trốn và cũng không sống lưu vong.
Cựu tổng thống Rajapaksa đã trở thành tâm điểm chỉ trích của những người biểu tình Sri Lanka. Họ cho rằng ông đã phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt và kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Sau khi ông từ chức, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống mới vào tuần trước.
Nhiều người biểu tình, bao gồm nông dân, giáo viên, sinh viên và các nhà sư Phật giáo, cho rằng chính sách tài chính sai lầm của ông Rajapaksa và các anh em của ông dẫn đến giá mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Lạm phát hiện là gần 55% và lạm phát lương thực đã vượt 80%.
"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng, Rajapaksa phải bị đưa ra công lý và gia đình ông ta phải bị buộc trả lại số tiền họ đã biển thủ", người biểu tình Chameera Dedduwage nói.
Huyền Lê (Theo Straits Times)