"Theo những gì tôi biết, ông ấy sẽ về nước", Bandula Gunawardena, người phát ngôn nội các Sri Lanka, cho biết hôm nay, đề cập đến cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đang ở Singapore.
Gunawardena thêm rằng ông không biết chính xác thời điểm ông Rajapaksa trở về Sri Lanka, nhưng nhấn mạnh cựu tổng thống không lẩn trốn và cũng không sống lưu vong.
Một quan chức chính phủ Sri Lanka giấu tên cũng cho biết cựu tổng thống muốn trở về nhà càng sớm càng tốt và bày tỏ nguyện vọng được sống tại tư gia của ông ở ngoại ô thủ đô Colombo.
Ông Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore với tư cách dân thường vào ngày 14/7, sau khi tháo chạy khỏi Sri Lanka do các cuộc biểu tình. Ông sau đó gửi đơn từ chức và được quốc hội Sri Lanka chấp thuận.
Thông thường, công dân Sri Lanka được Singapore cấp thị thực 30 ngày, nhưng có nhiều thông tin cho rằng visa mà quốc đảo cấp cho cựu tổng thống ngắn ngày hơn và ông sẽ trở về nước sau khi phong trào biểu tình lắng dịu.
Bộ Nội vụ Singapore và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nước này không phản hồi yêu cầu bình luận.
Cựu tổng thống Rajapaksa đã trở thành tâm điểm chỉ trích của những người biểu tình Sri Lanka, khi họ cho rằng ông đã phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt và kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Sau khi ông từ chức vào ngày 15/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống mới vào tuần trước.
Tân Tổng thống Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Sri Lanka, cho phép lực lượng an ninh bắt những người nổi loạn nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng.
Những người biểu tình muốn hạn chế quyền lực của Tổng thống, nói rằng ông Wickremesinghe đã phớt lờ những sai lầm của chính quyền cũ và không giải quyết được khủng hoảng trong thời gian đảm nhiệm cương vị thủ tướng.
Tổng thống Wickremesinghe đang tập trung vào các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chủ nợ khác để giải quyết khoản nợ nước ngoài hơn 50 tỷ USD và có những khoản vay mới nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cần thiết cho người dân Sri Lanka.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)