Ba thành viên của tòa án đặc biệt, đứng đầu là Chánh án Tòa án Tối cao Waqar Ahmad Seth, tuyên án tử hình vắng mặt cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, 76 tuổi, trong phiên xét xử vụ án phản quốc. Phán quyết này của tòa có thể bị kháng cáo.
Musharraf giành quyền lực nhờ đảo chính quân sự năm 1999 và buộc phải từ chức năm 2008 trước nguy cơ bị luận tội. Ông đối mặt hàng loạt cáo buộc như không bảo đảm an ninh cho cố thủ tướng Benazir Bhutto khiến bà bị ám sát vào năm 2007 và dính líu tới vụ sát hại một thủ lĩnh bộ lạc, song ông phủ nhận mọi cáo buộc.
![]() |
Cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Ảnh: Gulf Times. |
Musharraf rời Pakistan đến sống lưu vong ở London, Anh sau khi từ chức và về nước tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2013. Ông bị bắt cùng năm và sau đó dự một số phiên tòa về tội phản quốc và nghi án ám sát bà Bhutto. Ông sống lưu vong ở Dubai từ tháng 3/2016 sau khi rời Pakistan để điều trị y tế và không trở về với lý do sức khỏe và an ninh. Cựu tổng thống Pakistan bị đưa vào danh sách truy nã sau nhiều lần không xuất hiện tại tòa.
Công tố viên chính phủ Advocate Ali Zia Bajwa đã đệ trình lên tòa ba kiến nghị, bao gồm yêu cầu tòa đưa cựu thủ tướng Shaukat Aziz, cựu chánh án tòa án tối cao Abdul Hameed Dogar và cựu bộ trưởng luật pháp Zahid Hamid, vào diện tình nghi trong vụ án. Công tố viên nói rằng theo một bản kiến nghị năm 2014, Shaukat Aziz đã đề nghị Musharraf áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Treo cổ là hình thức tử hình duy nhất ở Pakistan. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, việc thi hành án tử ở Pakistan đã giảm từ 60 vụ năm 2017 xuống 14 vụ năm 2018.
Huyền Lê (Theo Gulf Times, NDTV)