Theo BBC, thanh niên Ấn Độ đang cố thoát khỏi truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nhờ các ứng dụng hẹn hò qua điện thoại. Tuy nhiên, họ luôn phải giữ kín chuyện này.
Varsha, 22 tuổi và Rahul, 27 tuổi, là một cặp đôi như thế. Họ gặp nhau trên chuyến tàu về quê ở miền đông Ấn Độ.
"Lúc đó tôi đang đi thăm nhà dì về", Varsha kể lại, mắt mơ màng. "Bà của anh ấy cũng ở trên tàu, vì thế chúng tôi bắt đầu trò chuyện về gia đình. Tôi cũng không biết từ lúc nào mình để ý tới anh ấy nữa".
Cô trò chuyện với bà của Rahul, không phải với anh. Anh không hề nói tiếng nào với cô.
"Tôi không dám nói chuyện với cô ấy", Rahul kể lại. "Mẹ cô ấy ở đó, anh trai cũng có mặt".
Tại Ấn Độ, số đông quan niệm rằng người khác giới không quen biết không được phép trò chuyện với nhau.
"Tôi nghĩ rằng anh ấy là người tốt và muốn kết bạn với anh ấy, vì thế tôi bắt đầu tìm anh trên Facebook", Varsha nói. Cô thậm chí còn không biết anh tên gì, nhưng lại biết tên cơ quan và chị gái của Rahul, thế là đủ để tìm ra anh.
Họ bắt đầu trò chuyện trên mạng và gửi ảnh cho nhau. Việc trao đổi tin nhắn qua Facebook giúp họ dễ dàng giữ bí mật về mối quan hệ chớm nở.
"Chúng tôi không thể nói chuyện công khai trước mặt mọi người", Varsha nói. Họ chỉ có thể trò chuyện với nhau qua Facebook trong phòng riêng, vì Varsha sợ rằng ngay cả ánh sáng từ điện thoại di động cũng đủ để gia đình cô biết chuyện.
"Cô ấy thường phải chui vào trong chăn", Rahul nói. Sau khoảng một tháng nhắn tin qua lại, họ bắt đầu hẹn hò trong bí mật. Hẹn hò công khai đối với nhiều người Ấn Độ là chuyện cấm kị, không những thế, hai người còn thuộc hai tầng lớp xã hội khác nhau, mà người Ấn Độ rất bảo thủ trong vấn đề này. Quan hệ yêu đương với người ở đẳng cấp khác là chuyện không tưởng đối với đa số người dân quốc gia này.
Chuyện tình của một cặp đôi khác bắt đầu từ vài tháng trước ở Bangalore, trong một buổi hẹn hò bowling dành cho người độc thân.
"Khoảnh khắc Kumar sảy chân trên sàn, mọi người đều dừng lại nhìn", Garima nói. "Anh là Big Lebowski đấy à", cô đùa, mắt nhìn anh đầy trêu chọc. Big Lebowski là tên một bộ phim hài của Mỹ sản xuất năm 1998.
Họ quen nhau trong một buổi hẹn hò do Floh, dịch vụ mai mối qua mạng tổ chức cho những người độc thân không muốn kết hôn theo sự sắp xếp của gia đình.
Bị ấn tượng trước Kumar, ngày hôm sau, Garima nhắn tin hẹn anh đi uống nước. Họ trò chuyện rất ăn ý và hẹn nhau ra ngoài nhiều hơn. Garima quyết định kể cho mẹ nghe về Kumar, bao gồm cả chuyện anh theo đạo Hindu, còn gia đình cô theo đạo Jaina. Jaina giáo gần như ra đời cùng thời với Phật giáo, nay là một tôn giáo thiểu số ở Ấn Độ với khoảng 4 triệu tín đồ, ít hơn nhiều so với con số 80% người Ấn Độ theo Hindu giáo.
Garima không ngờ rằng chuyện tình của cô trở thành chủ đề nóng trong gia đình. "Bố tôi cực kỳ tức giận!", cô nói. Ông đã nhờ em trai giúp đỡ, tìm hiểu trên mạng về công việc và đời tư của Kumar.
"Con thật là đứa không hiểu biết. Nó không phải người ăn chay, thậm chí còn uống rượu. Làm sao mà con chung sống được với đứa như thế", bố Garima nói với cô.
Những người theo Jaina giáo đều ăn chay và không uống rượu. Mọi người trong gia đình Garima đều kết hôn với người cùng đạo.
Tại thủ đô Delhi, trong căn hộ tầng trệt đầy tiếng chó sủa và trẻ em chơi đùa, người đàn ông 30 tuổi Nitin sống cùng cha mẹ. Anh tìm đến TrulyMadly, ứng dụng hẹn hò nổi tiếng nhất Ấn Độ, trong một lần lướt Facebook.
"Bố mẹ đang tìm mối cho tôi, vì thế tôi nghĩ, 'Sao mình không thử cái này?'" Nitin nói.
Phía bên kia thành phố là Shruti, trẻ hơn Nitin một tuổi, cũng nhìn thấy ứng dụng tương tự. Giống Nitin, cô cũng mệt mỏi vì bố mẹ sắp xếp chuyện hôn nhân, nên thích thú nghĩ rằng tại sao mình không nắm quyền chủ động tình duyên của bản thân.
"Khoảng một tuần rưỡi gì đó, tôi bắt đầu nói chuyện với Nitin", Shruti nói. "Chúng tôi nhắn vài tin cho nhau trên ứng dụng hẹn hò, rồi quyết định gặp mặt. Sau cuộc hẹn đầu tiên, tôi biết rằng anh ấy là bạch mã hoàng tử mình đang tìm kiếm. Tôi quyết định chủ động tấn công".
Hai người quyết định ra mắt gia đình đôi bên sau cuộc hẹn đầu tiên. Gia đình họ rất vui mừng khi phát hiện hai bên đều cùng một tôn giáo và đẳng cấp xã hội. Tuy nhiên, Shruti và Nitin vẫn giữ kín chuyện quen biết nhau như thế nào.
"Nếu nói rằng chúng tôi quen nhau qua ứng dụng hẹn hò, bố mẹ sẽ nghĩ chẳng bao giờ tìm được người thích hợp", Shruti nói. "Họ quan niệm người ta sử dụng dịch vụ đó để chơi đùa, tìm kiếm mối quan hệ chóng vánh mà thôi".
Theo Nitin, đó là quan niệm thuộc về "khoảng cách thế hệ". Bố mẹ không biết chuyện Nitin và Shruti quen biết thế nào cho đến khi lễ đính hôn hoành tráng kết thúc, và sau đó vài tháng là lễ cưới. Đến khi biết chuyện, họ cũng không phản đối nữa.
Quay lại với Garima, mọi chuyện không đơn giản như của Nitin và Shruti. Cô và Kumar nhận ra họ phải đính hôn để thuyết phục được gia đình rằng hai người thực sự nghiêm túc, và khác biệt tôn giáo không thành vấn đề. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, họ không muốn kết hôn mà không được gia đình chúc phúc.
"Tôi đã phải lên chiến dịch, xem xét nên thuyết phục ai trước, từ đó nhờ ảnh hưởng của họ để thuyết phục những người còn lại", Garima nói.
Mất một năm để vận động hành lang, kèm thuyết phục và nịnh nọt, bố của Garima, người khó tính nhất, mới miễn cưỡng đồng ý. Họ tổ chức đám cưới, và Kumar, vào ngày cuối cùng trước lễ cưới, mới được gặp mặt bố vợ tương lai lần đầu tiên.
"Tôi bị gọi vào trong phòng, ở đó có 4 vị trưởng bối đang ngồi. Tôi không biết ai với ai cả", Kumar nói, anh thậm chí còn chưa được nhìn ảnh bố vợ. "Vì thế, tôi có chút lúng túng".
Đối với Varsha và Rahul, cặp đôi gặp nhau trên tàu, đối phó với gia đình thậm chí còn khó khăn hơn. Họ không dám kể cho người nhà biết chuyện người yêu thuộc đẳng cấp khác, mà quyết định kết hôn luôn.
"Chúng tôi tổ chức lễ cưới đơn giản", Varsha nói. Chỉ có hai khách mời, quá đơn giản và nhỏ bé so với một đám cưới tiêu chuẩn ở Ấn Độ. Kết hôn xong, Rahul gọi điện cho bố mẹ, giải thích lý do anh tới Delhi vì người yêu và đã lấy vợ.
"Họ phản ứng vô cùng cực đoan", Rahul nói. "Họ dọa tôi 'Tao giết mày, tao sẽ băm xác mày', chỉ vì bọn tôi không cùng đẳng cấp".
Rahul và Varsha đã rất khổ sở, nhưng họ vẫn mừng vì đã tìm thấy nhau. Họ chỉ muốn cha mẹ, giống như gia đình của bao cặp đôi khác, có quan niệm tân tiến hơn về tình yêu của thế hệ trẻ bây giờ, rằng họ cũng có suy nghĩ độc lập và được phép tự do yêu đương theo pháp luật.
Xem thêm: Phụ nữ Ấn Độ khốn khổ vì áp lực làn da trắng sáng.
Hồng Hạnh