VNExpress

Việt Nam có thể chơi tấn công tốt hơn?

Không thể đặt kỳ vọng quá lớn về điểm số ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nhưng qua trận Trung Quốc và Oman, cũng le lói những tín hiệu khả quan trên mặt trận tấn công của đội tuyển Việt Nam.

Hồ Tấn Tài (số 13) và Nguyễn Văn Toàn (số 9) chung vui sau khi Nguyễn Tiến Linh ghi bàn gỡ hoà 2-2 trong trận đấu ở Trung Quốc ở lượt ba vòng loại World Cup 2022. Ảnh: VFF

Tâm lý vội vàng

Sau hai trận đấu trước những đối thủ được đánh giá có chênh lệch về đẳng cấp ít hơn là Trung Quốc và Oman tại bảng B, đội tuyển đã ghi được bốn bàn, nhưng cũng để thủng lưới tới 10 bàn. Hai trận đấu với những thế trận cởi mở hơn đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội để tấn công, nhưng cũng đồng thời chỉ ra những tồn tại trong một thế trận phải bước ra khỏi vùng an toàn.

Chưa nói tới những vấn đề về mặt chuyên môn, tâm lý thi đấu của các cầu thủ trong lần đầu tiên chạm trán những đối thủ tầm cỡ châu lục là đáng ghi nhận. Đội bóng của HLV Park Hang-seo luôn bước vào trận bằng một tinh thần quyết tâm và khát khao thể hiện. Tuy nhiên, mặt trái của điều đó là những phút giây nóng vội quá đà khiến các cầu thủ khó kiểm soát được khả năng ra quyết định một cách tốt nhất. Những bài học kinh nghiệm đắt giá đã diễn ra.

Đó là hai tình huống phòng ngự không quá cần thiết của hậu vệ Hồ Tấn Tài và Đỗ Duy Mạnh trước Oman, trực tiếp dẫn tới hai tình huống mà Việt Nam phải nhận các quả phạt đền. Đó thực sự là những quyết định không đáng có và khiến đội tuyển dễ dàng đánh mất đi cả thế trận lẫn tâm lý chơi bóng. Cả Tấn Tài và Duy Mạnh đều là những cầu thủ thể hiện không tồi về mặt chuyên môn ở hai trận trận đã qua, nhưng chỉ một khoảnh khắc thiếu bình tĩnh, đội tuyển hoàn toàn có thể bị trả giá.

Đó là bàn thua trước Trung Quốc trong một pha bóng phản công của đối thủ. Dưới thời HLV Park, hiếm khi Việt Nam phải nhận những tình huống tấn công nhanh khi đội tuyển luôn nhập trận với ý đồ phòng ngự - phản công. Nhưng trước Trung Quốc và Oman, khi đội tuyển muốn bước ra khỏi vùng an toàn, thì những quyết định gây áp lực trên phần sân đối thủ lại không được thực hiện một cách tốt nhất. Và đó là lúc chất lượng và đẳng cấp của các đối thủ lên tiếng. Bàn mở tỉ số của Trung Quốc đến sau một nỗ lực đẩy cao áp sát trên phần đối phương thiếu sự đồng bộ, dẫn tới việc ba trung vệ của Việt Nam phải phòng ngự ở khoảng cách 40 mét sau lưng, và thua thiệt với ba tiền đạo Trung Quốc về cả thể chất lẫn tốc độ.

Tình huống gây áp lực thiếu đồng bộ trước Trung Quốc khiến Việt Nam nhận bàn thua đầu tiên.
Ở khu vực phòng ngự cách xa khung thành – ba trung vệ Việt Nam thua thiệt về thể chất và tốc độ so với ba tiền đạo Trung Quốc.

Rõ rệt hơn, đó là sự vội vàng của các cầu thủ tấn công ở những bước xử lý cuối cùng, trên khu vực một phần ba sân đối phương. So với việc chỉ kiểm soát 28% và 30% thời lượng bóng lăn trước Saudi Arabia và Australia, đội bóng của HLV Park đã có những thời điểm chủ động hoàn toàn trong giai đoạn triển khai thế trận với tỷ lệ kiểm soát bóng lần lượt lên đến 51% trước Trung Quốc và 43% trước Oman. Thậm chí, trong khoảng thời gian hiệp 2 của hai trận đấu này, Việt Nam mới là những người kiểm soát bóng nhiều hơn. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ sự khát khao của các cầu thủ đã dẫn đến những quyết định chưa thực sự hiệu quả nhất.

Không thua kém quá nhiều về số lượng các pha dứt điểm trước Trung Quốc và Oman, nhưng Việt Nam không sở hữu chất lượng những tình huống uy hiếp khung thành tốt như hai đối thủ này. Trong số 22 pha dứt điểm được Việt Nam thực hiện trong hai trận đấu gần nhất, tỷ lệ dứt điểm trong phạm vi 16m50 của đối phương chỉ là 45%, trong khi đội tuyển để hai đối thủ này thực hiện tới 73% các pha dứt điểm trong khu vực cấm địa.

Vị trí các pha dứt điểm của Việt Nam trước Trung Quốc và Oman.

Những cơ hội thực hiện các tình huống tấn công nguy hiểm hơn đã bị bỏ qua. Dù không thể phủ nhận các cầu thủ như Quang Hải, Tiến Linh hay Công Phượng sở hữu khả năng sút xa ấn tượng, nhưng phải thừa nhận cả ba bàn thắng trong hai trận đấu đã qua của Việt Nam đều được thực hiện ở những vị trí dứt điểm tốt hơn trong vòng 16m50 của đối phương.

Các cầu thủ Việt Nam lựa chọn dứt điểm từ xa, trong khi có thể chuyền bóng cho đồng đội ở tư thế trống trải.

Việt Nam rõ ràng cho thấy sự tự tin với phẩm chất kĩ thuật của các cầu thủ, đội tuyển đã làm không tồi trong khả năng đưa bóng đến khu vực một phần ba cuối sân với những tiền vệ chất lượng như Hoàng Đức, Quang Hải hay với sự có mặt của Công Phượng, điều cần cải thiện là sự điềm tĩnh và hiệu quả hơn ở khâu ra quyết định cuối cùng.

Mạnh dạn đẩy cao các hậu vệ biên

Nếu như tỉ lệ dứt điểm trong vòng cấm là một thống kê cần phải cải thiện từ Việt Nam, thì một con số thống kê khác cũng đáng báo động không kém, là việc đội tuyển mới thực hiện thành công bốn quả tạt sau hai trận đấu với Oman và Trung Quốc. Tính tổng số tình huống đưa bóng từ biên qua hai trận, con số cũng chỉ khiêm tốn là 10 lần. Cả Văn Thanh, Hồng Duy và Tấn Tài đều là những cầu thủ sở hữu khả năng hỗ trợ tấn công tốt, nhưng dường như họ được giao nhiệm vụ cần cân bằng giữa phòng ngự và tấn công, nên chưa thể tham gia tích cực trong các tình huống triển khai bóng của Việt Nam.

Ví trí và số lượng các tình huống tạt bóng của Việt Nam trước Trung Quốc và Oman.

Hình ảnh thường thấy của Hồng Duy hay Tấn Tài ở những trận đấu vừa qua là việc họ muốn duy trì vị trí ngang với các tiền vệ trung tâm nhiều hơn, và sẽ chỉ dâng cao ở thời điểm các đồng đội đã sẵn sàng chuyền bóng. Cả hai đều không chọn những vị trí cao và rộng ở thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai bóng, điều khiến họ phải mất thời gian di chuyển và cũng tạo cho đối thủ sự sẵn sàng cho tình huống phòng ngự.

Các hậu vệ biên của Việt Nam thường không dâng quá cao.
Vị trí xuất phát của Hồng Duy hay Tấn Tài đều ngang với hàng tiền vệ.
Tình huống điển hình khi Xuân Trường mở bóng ra biên nhưng Hồng Duy không dâng cao kịp thời để hỗ trợ.

Đặc biệt trước Oman, đội bóng sử dụng bốn hậu vệ chơi rất hẹp và để lộ nhiều khoảng trống ở biên, các hậu vệ cánh cũng không cho thấy sự thoải mái và sẵn sàng trong việc dâng cao. Thậm chí, định hướng triển khai bóng của Việt Nam cũng tập trung nhiều ở khu vực trung lộ và ít có những ý đồ chuyển hướng tấn công thực sự rõ ràng. Có thể khẳng định, việc các hậu vệ biên ít dâng cao ảnh hưởng lớn cả bởi cấu trúc đội hình và định hướng chơi bóng của HLV Park, điều trực tiếp khiến đội tuyển không có quân số đủ nhiều trên phần sân đối thủ và thiếu đa dạng trong các pha tấn công.

Việt Nam gần như chỉ tập trung tấn công trung lộ.

Đặc biệt với việc sử dụng sơ đồ ba trung vệ, khả năng hỗ trợ của hai cầu thủ chơi biên là tối quan trọng. Bởi lẽ, ngay cả khi hai cầu thủ này dâng quá cao và không thể lập tức hỗ trợ phòng ngự, thì Việt Nam vẫn duy trì được quân số đủ để đối mặt với các pha phản công của đối phương.

Tình huống ghi bàn của Tấn Tài trong trận đấu với Trung Quốc có lẽ chỉ là một điểm sáng hiếm hoi từ cá nhân cầu thủ này, hơn là ý đồ của ban huấn luyện Việt Nam. Đó có thể là điều mà HLV Park cùng các cộng sự cần tính tới, khi Việt Nam được quyền thiết lập một thế trận chủ động kiểm soát bóng trong một giai đoạn bất kì của trận đấu.

Lấy chính trường hợp của Trung Quốc và Oman làm ví dụ, cả hai đội bóng này đều rất chủ động sử dụng các cầu thủ chơi cao và rộng trước Việt Nam để kéo giãn tối đa chiều ngang sân. Và thậm chí họ đều cho thấy sự hiệu quả của ý đồ tấn công đó, khi những tình huống nguy hiểm họ tạo ra trước hàng phòng ngự năm người của Việt Nam đa số đến từ những tình huống tấn công biên.

Oman luôn bố trí các cầu thủ chơi cao và rộng ở mỗi biên.
Trung Quốc cũng triển khai bóng với sơ đồ ba hậu vệ, nhưng các cầu thủ chạy cánh sẵn sàng đẩy cao tấn công.

Việt Nam đang thích nghi với các giai đoạn có thể triển khai bóng chủ động trước các đối thủ lớn, và tín hiệu tích cực là đội tuyển đã có những hình ảnh, tình huống xứng đáng trở thành ví dụ để cải thiện tốt hơn trong khâu tấn công.

Những điểm sáng

Dù không có kết quả thuận lợi trong hai trận đấu ít nhiều nhận được sự mong chờ có điểm số trước Trung Quốc và Oman, cũng không thể phủ nhận Việt Nam đã có những điểm sáng đáng ghi nhận trước hai đối thủ này, mà đặc biệt là sự trở lại của Công Phượng trên hàng công.

"Số 10" không mất nhiều thời gian để bắt nhịp lối chơi với những người đồng đội quen thuộc tại ĐTQG, và mang đến một phong cách thi đấu có những điểm khác biệt với các đồng đội. Cầu thủ của HAGL luôn kiên định duy trì vị trí ở sau lưng hàng tiền vệ đối thủ, tìm kiếm khoảng trống và hạn chế lùi quá sâu nhận bóng. Khi kiểm soát bóng, Công Phượng cho thấy kĩ năng xoay xở trong phạm vi hẹp và hướng bóng lên phía trước. Tầm hoạt động rộng của anh cũng giúp Việt Nam gia tăng tính liên kết trong các tình huống triển khai bóng. Công Phượng đã đóng góp lớn vào bàn gỡ hoà 2-2 của Tiến Linh trong trận gặp Trung Quốc chỉ ít phút sau khi vào sân từ ghế dự bị, và cũng là nhân tố tạo nên những thời cơ tấn công rõ nét của Việt Nam trước Oman với sự đột biến thường thấy.

Khả năng xoay trở và liên kết của Công Phượng.

Tình huống dẫn bóng và tạo cơ hội cho Tiến Linh.

Sự trở lại của Công Phượng cũng chính là lí do HLV Park có thể sử dụng hệ thống 3-5-2. "Số 10" gần như là cầu thủ duy nhất mà chiến lược gia người Hàn Quốc có trong tay vào lúc này có thể chơi tốt trong vai trò tiền đạo lùi sau lưng Tiến Linh ở hệ thống hai tiền đạo.

Sơ đồ 3-5-2 giúp Việt Nam kiểm soát bóng tốt hơn khi Hoàng Đức và Quang Hải được đẩy cao, còn Công Phượng đóng vai trò liên kết tấn công.

Đây là sơ đồ chiến thuật từng được HLV Park áp dụng một cách thành công với các đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 30 hay các trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2022. Có sự trở lại của mẫu cầu thủ như Công Phượng, chắc chắn Việt Nam có thể trình diễn những hình ảnh đa dạng hơn, đặc biệt là ở khả năng tấn công.

Dù chưa thể có được điểm số đầu tiên, và chưa thể hiện được một lối chơi thực sự thuyết phục trong những trận đấu đã qua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nhưng Việt Nam đang dần cho thấy những tín hiệu tích cực cùng những yếu tố có thể được cải thiện hơn nữa trong lối chơi. Cùng với một tâm lý thi đấu điềm tĩnh và tỉnh táo hơn khi đã được cọ xát liên tiếp với những đối thủ lớn, đội tuyển hoàn toàn có thể làm tốt hơn so với chính mình ở những trận đấu tiếp theo tại hành trình này.

Một khi đã hoàn thiện được chính mình, Việt Nam có đủ khả năng để hy vọng về những kết quả tích cực thời gian sắp tới.

Thành Vũ