VNExpress

Tại sao Việt Nam chịu nhiều phạt đền?

Việt Nam bị bảy phạt đền trong tám trận gần nhất, vì sự hiện diện của VAR, thói quen phòng ngự và chênh lệch trình độ với đối thủ.

Chưa bao giờ phạt đền lại thành nỗi ám ảnh của Việt Nam như hiện tại, với bốn lần bị thổi phạt đền chỉ qua bốn trận ở vòng loại thứ ba. Trung bình mỗi trận, Việt Nam lại bị thổi phạt đền một lần. Nếu tính cả vòng loại thứ hai, Việt Nam bảy lần bị phạt đền ở bảy trận gần nhất.

Để so sánh, 11 đội còn lại chỉ hứng tổng cộng tám quả phạt đền ở 120 trận đã qua của họ ở vòng loại World Cup 2022. Tức là trung bình 11 trận, các đội này mới bị phạt đền một quả.

Tỷ lệ chịu phạt đền của Việt Nam ở các vòng loại World Cup 2022, so với 11 đội khác đã vào vòng loại ba.

Khi tỷ lệ chênh lệch như vậy với mẫu số không nhỏ, có thể thấy điều gì đó xảy ra với Việt Nam chứ không phải tình cờ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF từng gửi đơn kiến nghị lên FIFA về công tác trọng tài sau trận thua Australia 0-1 hôm 7/9. Chưa thể nói Việt Nam bị xử ép hay không, nhưng còn những yếu tố khác ảnh hưởng rõ ràng hơn đến những quả phạt đền mà thầy trò Park phải nhận.

Nguyên nhân dễ thấy nhất nằm ở VAR. Việt Nam đã chơi năm trận có VAR, và bị phạt đền năm lần. Đầu tiên là ở tứ kết Asian Cup 2019, VAR can thiệp giúp trọng tài thổi phạt đền sau khi trung vệ Bùi Tiến Dũng gài chân Ritsu Doan trong cấm địa. Chính Doan sút phạt đền ghi bàn duy nhất giúp Nhật Bản loại Việt Nam. Bốn quả phạt đền còn lại đến ở hai trận Việt Nam thua Saudi Arabia và Oman. Saudi Arabia hưởng phạt đền lần đầu sau khi bóng đập trúng tay Đỗ Duy Mạnh trong cấm địa, và lần thứ hai khi Quế Ngọc Hải ngáng chân Al-Dawsari. Còn hai quả phạt đền cho Oman đều từ pha vung tay của Hồ Tấn Tài và Duy Mạnh trúng người đối phương.

Trong năm quả phạt đền nói trên, có hai lần trọng tài chính thổi phạt ngay từ đầu. Ba trường hợp còn lại VAR báo cáo trọng tài chính để ông xem lại băng hình, rồi mới thổi phạt đền. Mọi trường hợp trọng tài ra ngoài đường biên xem băng hình lỗi phạt đền của Việt Nam, họ đều thổi. Nhưng, tình huống duy nhất trọng tài xem lại phạt đền đối thủ của Việt Nam, ông lại không thổi khi hậu vệ Australia dùng tay chắn bóng từ cú sút của Nguyễn Phong Hồng Duy.

Nhưng 11 đội còn lại cũng chơi những trận có VAR, nhưng họ bị thổi phạt đền ít hơn hẳn Việt Nam. Trong 24 trận đã qua ở hai bảng vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực AFC, Việt Nam chịu phạt đền bốn lần, UAE một lần, còn 10 đội còn lại chưa bị phạt.

Trọng tài Adham Makhadmeh xem lại nhiều lần tình huống dẫn tới bàn mở tỷ số của Việt Nam trước Oman. Ảnh: AFC

VAR không phải nguyên nhân chính khiến thầy trò Park bị phạt đền nhiều, mà nó chỉ phơi bày những điểm yếu của các hậu vệ Việt Nam khi phòng ngự. Những tình huống Việt Nam bị thổi phạt đền đều có thể tránh được. Và các quyết định của trọng tài cũng có thể hiểu được. Chỉ có những pha phạm lỗi của Việt Nam là không cần thiết, hoặc là hệ quả của chuỗi sai lầm hệ thống phòng thủ.

Trong tám quả phạt đền Việt Nam phải nhận dưới thời HLV Park, có bốn tình huống hậu vệ dùng tay để phạm lỗi với đối phương. Đó là những pha Văn Hậu đẩy sau Manuel Bihr ở quả phạt góc trận gặp Thái Lan tại Mỹ Đình, rồi chính Văn Hậu nhảy lên dùng tay đè Guilherme de Paula trận gặp Malaysia hôm 11/6, và hai pha bóng ở trận Oman nói trên. Những tình huống này có thể coi là không cần thiết, nhưng đã lột trần điểm yếu của hậu vệ Việt Nam khi tranh chấp.

"Một phần nguyên nhân khiến các hậu vệ Việt Nam mắc lỗi dẫn tới phạt đền là thói quen chơi bóng của họ ở V-League", cựu trợ lý trọng tài Phan Việt Thái nói với VnExpress. "Khi thi đấu trong nước, cầu thủ quen thói chơi như thế, có thể do được dạy dỗ từ nhỏ và quen dùng tay khi tranh chấp. Khi ra sân chơi lớn, các hậu vệ Việt Nam sẽ bỡ ngỡ vì bị thổi phạt những pha tranh chấp như thế. Còn các cầu thủ quốc tế hiểu luật hơn, và họ biết khi nào dùng tay truy cản là cần thiết hay không".

Đây là lần đầu Việt Nam chơi ở vòng loại cuối World Cup. Trong năm đội còn lại ở bảng B, có bốn đội đã dự World Cup, còn Oman cũng là khách quen ở vòng loại cuối. Với kinh nghiệm thi đấu ở cấp độ cao, những đối thủ của Việt Nam không mắc sai lầm tương tự.

Ông Việt Thái sau khi giải nghệ, đang là tiến sĩ, giảng viên thể dục thể thao của trường Đại học Cần Thơ. Ông cho rằng để bóng đá Việt Nam tiến bộ hơn, và các tuyển thủ tránh phòng ngự với nhiều động tác thừa, VAR cần được áp dụng vào V-League càng sớm càng tốt.

"Có VAR, các cầu thủ sẽ bớt bỡ ngỡ", ông Thái nói. "V-League nếu có VAR sẽ rất tuyệt vời. Khi đó các HLV sẽ thay đổi suy nghĩ, để giáo dục cầu thủ ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta phải làm lại, ngay từ bây giờ".

Cách phòng ngự của Việt Nam cần phải thay đổi để thích nghi với VAR. Ảnh: Roya Sports

Cách phòng ngự của hậu vệ Việt Nam cần được thay đổi, và vấn đề này không thể cải thiện trong sớm chiều. Nhưng, riêng các tuyển thủ Việt Nam có thể tiến bộ hơn từ những thất bại vừa qua. Ngọc Hải và đồng đội không chỉ rút ra bài học về VAR, mà còn hiểu được khoảng cách với những cầu thủ tấn công đẳng cấp châu lục. Đối thủ của Việt Nam ở vòng loại cuối đều mạnh hơn đoàn quân của Park và khi đó đội tuyển dễ xuất hiện sai số.

Chính sự chênh lệch trình độ giữa Việt Nam và các đội còn lại ở bảng B dẫn tới một vài tình huống phạt đền mà đoàn quân của Park phải hứng chịu. Các cầu thủ đẳng cấp châu lục nhanh, khoẻ và cũng tinh quái hơn các học trò của Park. Sáu trong tám quả phạt đền Việt Nam đến trước đối thủ đứng trên ở bảng thứ bậc FIFA. Trong đó, có không ít tình huống khó tránh khỏi phạt đền.

Tiến Dũng đã không phải phạm lỗi với Doan nếu tiền vệ Nhật Bản không bứt đi quá nhanh và có cơ hội đối mặt thủ môn. Bùi Tấn Trường cũng không lường trước được tiền vệ Abdullah Al-Naqbi lại nhanh đến thế, khiến thủ môn này vồ bóng không kịp thành ra phạm lỗi với cầu thủ UAE ở trận cuối vòng loại thứ hai hôm 15/6. Ngọc Hải cũng chậm hơn so với Al-Dawsari, khiến cú vào bóng của anh hoá phạm lỗi. Hay tình huống Duy Mạnh phạm lỗi trước Oman, cũng tới từ nhịp đỡ bước một quá tốt của Jameel Yahmadi. Nếu không bị Duy Mạnh truy cản trái phép, Yahmadi đã đối mặt thủ môn Văn Toản. Các đối thủ mạnh biết cách tận dụng sai lầm dù là nhỏ nhất của Việt Nam.

"Việt Nam đang phải đương đầu với những đối thủ rất mạnh. Họ có những cầu thủ tấn công nguy hiểm, với khả năng kiếm phạt đền cao hơn những đối thủ thường gặp của Việt Nam", chuyên gia bóng đá châu Á Gabe Tan nói với VnExpress. "Chẳng hạn Lionel Messi hay Mohamed Salah thường kiếm nhiều phạt đền hơn các cầu thủ bình thường, vì họ có kỹ thuật xử lý trong cấm địa".

Với những cầu thủ nhanh nhẹn, tinh quái và di chuyển không bóng khôn ngoan trong cấm địa, hậu vệ rất khó theo kèm. Tiền đạo Espanyol Vũ Lỗi (Wu Lei) từng gây ra nhiều khó khăn cho trung vệ 21 tuổi Nguyễn Thanh Bình khi Trung Quốc đón tiếp Việt Nam hôm 7/10. Nếu Thanh Bình dùng tay ngăn chặn Vũ Lỗi không đúng luật, anh sẽ bị thổi phạt đền như những người đàn anh nói trên. Thanh Bình không kịp dùng tiểu xảo, và ngay lập tức Việt Nam chịu hai bàn thua.

Đẳng cấp của Wu Lei (áo đỏ) khiến hậu vệ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Power Sports

"Khi Việt Nam gặp Trung Quốc, Wu Lei cũng đã trình diễn khả năng chạy chỗ tuyệt vời trong cấm địa", Tan nói thêm. "Nếu Trung Quốc không có anh ấy, Việt Nam có thể đã thắng. Đó là khác biệt giữa những đội hàng đầu với Việt Nam. Dù sao thì Wu Lei cũng từng chọc thủng lưới Barca".

Thanh Bình mới chơi trận thứ hai cho đội tuyển, nhưng đã phải đối mặt tiền đạo nổi danh ở La Liga. HLV Park đã nhận sai khi đưa Thanh Bình vào sân trận đó. Cũng có nhiều người không ưa lối chơi phòng thủ phản công của HLV người Hàn Quốc, và cho rằng Việt Nam chịu phạt đền nhiều còn vì thường xuyên phải phòng ngự quanh cấm địa. Nhận xét này chưa hẳn đã đúng.

Đội chơi phòng ngự nhiều hơn không đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ bị phạt đền cao hơn. Các đội chơi phòng ngự thường giữ bóng ít hơn, dứt điểm ít hơn và thậm chí cơ hội nguy hiểm ít hơn. Ở các giải hàng đầu châu Âu, những chỉ số này không liên quan đến số phạt đền phải nhận.

Trong 38 trận Ngoại hạng Anh 2020-2021, Man City chỉ cho đối thủ giữ bóng trong 36,1% thời lượng, nhưng chịu tới 10 quả phạt đền. Tức là, họ đứng đầu về tỷ lệ giữ bóng, nhưng chịu phạt đền nhiều thứ hai.

Số phạt đền phải nhận không liên quan đến việc đội bóng chơi phòng ngự hay tấn công.

Burnley, Sheffield United và Newcastle nằm trong nhóm năm đội giữ bóng ít nhất mùa trước. Nhưng, Burnley là đội ít bị thổi phạt đền nhất với ba lần. Còn Sheffield và Newcastle cũng chỉ bốn lần bị phạt 11m. Trước đó một mùa, Newcastle cũng giữ bóng ít nhất giải, nhưng cũng chỉ hai lần bị phạt đền.

Về cơ bản, các chỉ số như giữ bóng, dứt điểm, hay cơ hội nguy hiểm tỷ lệ thuận với nhau, nhưng chúng không có liên quan tới số phạt đền phải nhận. Điều này cũng đúng ở các giải đấu hàng đầu châu Âu khác, và có thể cũng đúng ở đấu trường châu Á. Vấn đề như nói ở trên, là sự hiện diện của VAR, thói quen phòng ngự của cầu thủ Việt Nam và khoảng cách trình độ quá lớn với đối thủ châu lục.

Việt Nam đang hứng mạch năm trận thua, một kỷ lục buồn trong lịch sử đội tuyển. Nhưng, chuỗi thua này không hề vô nghĩa. Thầy trò Park biết được mình đang đứng ở đâu, cần rút ra bài học gì và cải thiện như thế nào. Nền bóng đá Việt Nam cũng lộ ra những điểm hạn chế nhưng có thể khắc phục được trong tương lai.

Xuân Bình