- HLV Park Hang-seo, các cầu thủ và nhiều người hâm mộ cảm thấy bất bình về các quyết định của trọng tài và VAR, cho rằng Việt Nam bị xử ép. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?
- Tôi là người Việt, cũng yêu đội tuyển. Nhưng ở đây, khi đưa ra đánh giá, chúng ta cần nhìn nhận một cách trung thực, công tâm. Trận này, các quyết định của trọng tài khi sử dụng VAR không sai, ở cả tình huống thổi phạt đền cho Oman lẫn việc xem lại bàn thắng của Việt Nam.
Tôi thấy nhiều người chỉ trích việc trọng tài xem lại video rất lâu trước khi công nhận bàn thắng mở tỷ số cho Việt Nam. Chắc chắn trọng tài không sai. Khi VAR được đưa vào thì trọng tài xem đi xem lại, đánh giá tất cả các yếu tố để xác định bàn thắng hợp lệ hay không, nhằm đảm bảo công bằng nhất. Còn việc họ xem lâu thì có vấn đề gì đâu, có thể bù giờ mà. Đừng nói trọng tài và VAR ép đội yếu. Nhật Bản là "ông kẹ" bóng đá châu Á, được đá sân nhà mà sao không ép được Oman ở trận ra quân bảng B? Đội khách vẫn thắng đó thôi. Chúng ta mà đá hay thì chấp cả trọng tài và VAR.
- Như vậy, theo anh, Việt Nam thua tâm phục khẩu phục trước Oman?
- Phải nói chính xác là Oman đá cho Việt Nam te tua. Bàn thua của họ là tai nạn, khi Al Busaidi mắc lỗi cá nhân, để Hồ Tấn Tài cướp bóng rồi mở ra cơ hội ghi bàn cho Tiến Linh. Nhưng với đẳng cấp hơn hẳn họ nhanh chóng gỡ hòa rồi vượt lên.
Hiệp một, khi các cầu thủ còn sức, Việt Nam giữ được cự ly đội hình, lùi về hỗ trợ phòng ngự nhiều thì Oman gặp khó khăn trong khâu phối hợp. Còn hiệp hai họ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi. Nửa cuối, nếu cầu thủ chủ nhà không cẩu thả trong dứt điểm khi đã dẫn trước hai bàn, Việt Nam còn thua đậm nữa.
- Cả hai tình huống bị thổi phạt đền trận này của Việt Nam đều có chung một kịch bản là các hậu vệ vung tay trúng đối thủ sau khi đã cản bóng. Anh nghĩ sao về nhận xét cho rằng đó là hệ quả của thói quen "đá bậy" ở V-League, và khi ra sân chơi quốc tế dễ bị thổi phạt?
- Tôi không chỉ trích cá nhân các cầu thủ. Tôi chỉ muốn nói rằng cầu thủ Việt Nam bây giờ thiếu độ quái. Những cái tay thừa đó không thể gọi là tiểu xảo. Tiểu xảo là để hạn chế sự nguy hiểm của đối thủ trong tranh chấp, nhưng phải kín, khán giả không thấy, trọng tài không hay và VAR không can thiệp được. Các cầu thủ của chúng ta chân phương và thô quá.
Nếu nói về tiểu xảo, hãy xem lại tình huống phối hợp phạt góc thành bàn của Oman ở phút 49. Trước tiên, đừng chỉ trích kiểu bao vây của họ, nó không hề phạm luật. Họ có quyền đứng như vậy và cũng không phạm lỗi với thủ môn Nguyễn Văn Toản. Thậm chí, nếu quả đó không thành bàn, VAR được dùng thì Việt Nam còn có thể chịu phạt đền vì ôm ngã đối thủ.
Nếu tinh quái, Việt Nam có thể có cách hoá giải cú đá này của Oman. Họ đã dùng đòn này ở các trận trước và chúng ta đều biết. Trong tình huống này, cầu thủ thực hiện đá phạt đòi hỏi tinh thần phải cực kỳ tập trung, đá rất chuẩn để bóng vào thẳng lưới hoặc nảy vào ai đó vào lưới. Để đối phó, chúng ta cần chơi chiêu. Một cầu thủ có thể ra sát điểm đặt bóng để chặn góc, nếu trọng tài nhắc nhở thì lại lùi. Hoặc chúng ta chào, cười, trêu, buộc giây dày... cốt làm sao để làm tình huống chậm lại, khiến đối thủ không thể tập trung được. Cầu thủ đá phạt mà ức chế thì không thể thực hiện chuẩn. Ban huấn luyện đã "đọc" không nhanh, không có chỉ đạo cho cầu thủ dùng chiêu trong tình huống này.
Tiểu xảo phải như thế chứ không phải vung tay chân mà trọng tài nhìn rõ. Theo dõi đội tuyển, tôi thấy giờ chỉ có hai cầu thủ có tiểu xảo khéo là Trần Đình Trọng và Đỗ Hùng Dũng. Nhưng cả hai đang chấn thương.
- Việt Nam đã thua cả bốn trận đầu tiên ở bảng B. Liệu HLV Park Hang-seo có thể thay đổi đấu pháp để cải thiện tình hình không?
- Tôi không chỉ trích hay đánh giá về chiến thuật của HLV Park-Hang-seo. Ông ấy là HLV trưởng, là người ra quyết định và chịu trách nhiệm. Tôi chỉ muốn nói rằng chiến thuật nào cũng phải có con người phù hợp. Việt Nam hiện tại không có những nhân tố mới. Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... không còn gây bất ngờ được nữa. Ở hàng công, Tiến Linh vẫn vậy. Cậu ấy có thể là chân sút hàng đầu Đông Nam Á, nhưng ra châu Á và gặp các hậu vệ đẳng cấp hơn thì mọi chuyện khác ngay.
Khả năng bùng nổ của Việt Nam cũng không còn. Thêm vào đó là thể lực đi xuống. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này. Thứ nhất, họ không còn trẻ như trước, lại thi đấu liên tục trên nhiều mặt trận. Thứ hai, khát khao cũng giảm sút sau những chức vô địch, tấm HC vàng ở Đông Nam Á. Cũng có thể, khi ra đấu trường này, các cầu thủ nghĩ cứ hết mình là được vì khó có thành tích, nên đôi chân cũng bị ảnh hưởng.
Con người sẽ quyết định chiến thuật. HLV Park muốn thay đổi lối chơi cũng khó. Kể cả Pep Guardiola sang Việt Nam có khi cũng chỉ vậy thôi. Chúng ta có chừng đó cầu thủ, xoay tua thế nào cũng thế thôi. Như Công Phượng vào thay Văn Đức trận này cũng không thể khá hơn.
- Tức là những trận sau này, Việt Nam cũng chỉ có thể chơi phòng ngự - phản công dù biết rằng kết quả không tốt?
- Chúng ta thua kém về mọi mặt nên không thể dùng lối chơi của mình áp đặt lên đối thủ. Việt Nam chỉ có một cách là phòng ngự chặt, chờ đợi đối thủ mắc sai lầm để phản công. Vấn đề là, khi cầu thủ còn sức thì còn phòng thủ được. Nhưng nếu "chịu đấm" liên tục thì sẽ suy giảm thể lực, mất minh mẫn và dẫn tới sai lầm.
- Vậy những thất bại liên tiếp thế này sẽ ảnh hưởng thế nào tới vị thế của bóng đá Việt Nam?
- Vòng loại World Cup 2018, Thái Lan dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk Senamuang cũng vào vòng loại cuối cùng, nhưng thua tan nát và chỉ giành hai điểm. Họ sau đó chìm nghỉm, thậm chí mất luôn vị trí số một ở Đông Nam Á. Bài học ở đây là đừng vì chức vô địch AFF Cup và tấm HC vàng SEA Games, hai giải đấu còn không được nằm trong hệ thống tính điểm của FIFA, mà nghĩ đội tuyển đã vụt lớn thành người khổng lồ, đã nằm trong nhóm đầu châu lục, để rồi dẫn tới việc đặt mục tiêu và kế hoạch sai. Việt Nam nên xem đó là bài học cho chính mình.
Lâm Thoả