Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad, 95 tuổi, ngày 29/10 đăng những bài viết gây tranh cãi trên mạng xã hội sau khi Brahim Aouissaoui dùng dao sát hại ba người tại một nhà thờ ở thành phố Nice, Pháp cùng ngày. Vụ tấn công này được nhận định là hành vi khủng bố liên quan đến Hồi giáo.
Mahathir hôm nay cho biết bài viết của mình bị xuyên tạc và khẳng định mục đích chính của chúng là bày tỏ rằng người Hồi giáo chưa bao giờ tìm cách trả thù cho những bất công.
Cựu thủ tướng Malaysia cho biết các bài viết bị xóa bất chấp việc chúng được đặt trong ngữ cảnh riêng. Ông yêu cầu Facebook và Twitter "ít nhất phải cho phép tôi giải thích và bảo vệ lập trường của mình".
"Đó là kiểu tự do ngôn luận của Facebook và Twitter. Một mặt họ bảo vệ những người trưng ra các bức biếm họa xúc phạm nhà tiên tri Mohammed, rồi mong tất cả người Hồi giáo ngậm bồ hòn làm ngọt dưới danh nghĩa tự do ngôn luận và biểu đạt", Mahathir cho biết.
"Mặt khác các mạng xã hội này cố tình xóa (bài viết) cho biết người Hồi giáo chưa bao giờ tìm cách trả thù cho những bất công nhằm vào họ trong quá khức", cựu thủ tướng Malaysia viết.
Facebook và Twitter chưa bình luận trước cáo buộc của Mahathir.
Các bài đăng của cựu thủ tướng Malaysia không đề cập đến vụ dâm dao tại Nice, diễn ra gần hai tuần sau khi thầy giáo Pháp Samuel Paty bị chặt đầu bên ngoài trường trung học Bois d'Aulne hôm 16/10. Paty trước đó cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.
Cựu thủ tướng Mahathir viết người Pháp "đã giết hàng triệu người, trong số đó gồm nhiều tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo có quyền tức giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ".
Tuy nhiên, Mahathir khẳng định "nhìn chung các tín đồ Hồi giáo không áp dụng luật 'nợ máu phải trả bằng máu'. Người Hồi giáo không làm thế và dân Pháp cũng không nên".
Twitter ban đầu chỉ đánh dấu dòng tweet của Mahathir là "kích động bạo lực" nhưng không xóa. Quyết định thay đổi sau khi Bộ trưởng Các vấn đề Kỹ thuật số Pháp Cedric O kêu gọi khóa tài khoản của cựu thủ tướng Malaysia. "Nếu không làm vậy, Twitter có thể bị coi là đồng lõa với lời kêu gọi giết người", Cedric O nói.
Twitter sau đó xóa dòng tweet của Mahathir, cho rằng nó vi phạm chính sách của mạng xã hội về kích động bạo lực.
Làn sóng phản đối Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron gần đây cũng lan rộng sau khi ông khiến nhiều quốc gia theo Hồi giáo tức giận vì ủng hộ xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, điều cấm kỵ đối với đạo Hồi.
Hơn 40.000 người Bangladesh đã biểu tình phản đối hôm 26/10 và gọi Pháp là "kẻ thù của người Hồi giáo". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi người dân nước này tẩy chay hàng hóa Pháp, chỉ trích người đồng cấp Pháp và nói rằng Macron nên "đi kiểm tra tâm thần" vì cách đối xử với người Hồi giáo.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)