Mức án được TAND Hà Nội công bố sáng 24/11, sau 4 ngày xét xử và nghị án. Cựu thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang tiếp tục vắng mặt trong buổi tuyên án với lý do sức khỏe.
Ông cùng bốn cựu cán bộ khác của Bộ Y tế bị tuyên phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cụ thể, ông Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính) bị phạt 2 năm tù treo; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính) 2 năm tù; bà Phạm Thị Minh Nga (cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính) 15 tháng tù treo và ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) 30 tháng tù.
Theo bản án, các bị cáo giữ nhiều chức vụ trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm quản lý sử dụng tài sản công nhưng "thiếu ý thức" trong nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng, kiểm tra... dẫn đến thiệt hại cho nhà nước 3,84 triệu USD.
5 cựu cán bộ Bộ Y tế được miễn trách nhiệm bồi thường dân sự, do "không trực tiếp" gây thiệt hại. Tòa do đó giải tỏa các lệnh kê biên, phong tỏa tài sản và các yêu cầu ngăn chặn giao dịch với tài sản của 5 bị cáo và người liên quan.
Bản án nêu, tuy không vụ lợi, không được hưởng lợi từ khoản 3,8 triệu USD song các bị cáo có trách nhiệm một phần trong việc chậm thu hồi, chậm ngăn chặn thiệt hại. Họ đã tự nguyện nộp khắc phục một phần thiệt hại từ hành vi của mình gây ra, tổng cộng 1,9 tỷ đồng.
Ba bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long bị tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trong đó, cựu Tổng giám đốc Lương Văn Hóa bị phạt 9 năm tù, án cao nhất trong 8 bị cáo.
Ông Hóa bị đánh giá là chủ mưu, người chịu trách nhiệm cao nhất trong sai phạm. Ông biết rõ các quy định của Nhà nước và điều khoản của Hợp đồng sản xuất thuốc ký với Bộ Y tế song cố tình chỉ đạo cấp dưới, hạch toán gian dối, tạo tài liệu giả, báo cáo gián dối Bộ Y tế nhằm giữ lại 3,84 triệu USD tiền ngân sách Nhà nước để sử dụng tại công ty.
Hai cấp dưới của ông Hóa, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng) bị phạt 6 năm tù và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc chi nhánh TP HCM) 5 năm.
HĐXX đánh giá ba cựu lãnh đạo Dược Cửu Long đã "lợi dụng việc được nhà cung cấp giảm giá nguyên liệu thuốc, cố ý dùng các thủ đoạn che giấu về việc được giảm giá, không báo cáo Bộ Y tế, vụ lợi tập thể".
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định số tiền hơn 3,8 triệu USD được hạch toán vào các hoạt động kinh doanh của Dược Cửu Long. Vì thế, HĐXX buộc công ty phải bồi thường số tiền này cho Bộ Y tế. Sau khi trừ đi gần 2 tỷ đồng do các bị cáo tự nguyện khắc phục, Dược Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.
Công ty có quyền yêu cầu các bị cáo Hóa, Hải, Nghĩa và người thừa kế của ông Nguyễn Thanh Tòng (63 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Dược Cửu Long, là bị can song đã chết trước ngày mở phiên tòa) bồi hoàn, nếu các bên có tranh chấp thì giải quyết bằng án dân sự.
Qua ba ngày tranh tụng, 8 bị cáo được đánh giá cơ bản nhận tội, thành khẩn, song xin Tòa đánh giá bối cảnh khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh khi vụ án xảy ra.
Trong lời nói sau cùng sáng 23/11, cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long cho rằng "không vì động cơ vụ lợi" mà do nhận thức chưa hết, chủ quan. Ông xin lỗi cấp dưới và các cựu cán bộ Bộ Y tế bị truy tố.
"Tôi với các vị không ai được hưởng lợi gì, chỉ gấp rút sản xuất thuốc chống dịch. Lần đầu bán thuốc cho Nhà nước, không hình dung được sự phức tạp. Tôi mong Bộ Y tế nhận lời xin lỗi của tôi và tha thứ cho sai sót trong quá trình thực hiện hợp đồng".
Về mức án mà cựu thứ trưởng Cao Minh Quang được đề nghị, 30-36 tháng tù treo, luật sư cho rằng nhẹ hơn của cấp dưới là cựu Cục phó Quản lý Dược Nguyễn Việt Hùng dù hai bị cáo cùng tội danh và khung truy tố.
VKS giải thích mức án đề nghị đã hợp lý, bị cáo Hùng dù chức vụ thấp hơn, nhưng sai phạm nặng hơn ông Quang.
Bản án xác định, năm 2006, Bộ Y tế và Bộ Tài chính nhận chỉ đạo của Thủ tướng, ký hợp đồng sản xuất thuốc Tamiflu phòng chống cúm A (H5N1) với các doanh nghiệp, trong đó có Dược Cửu Long.
Trong quá trình đàm phán, Dược Cửu Long được phía cung cấp nguyên liệu giảm giá 3,84 triệu USD nhưng không báo cáo lại Bộ Y tế mà tạo dựng các tài liệu giả, che giấu số tiền này dùng việc khác.
Tháng 10/2008, liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính lập Đoàn kiểm tra các vấn đề liên quan mua, bảo quản, dự trữ thuốc Tamiflu, song không làm hết trách nhiệm, bỏ lọt sai phạm này.
Ông Quang khi đó là Thứ trưởng Y tế, bị cáo buộc biết rõ Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,84 triệu USD nhưng không chỉ đạo kiểm tra. Khi Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Y tế làm rõ bản chất số tiền trên, ông Quang không làm. Hành vi của cựu thứ trưởng bị đánh giá gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,84 triệu USD.
Thanh Lam