Ngày 9/4, VKSND tỉnh Sơn La phê chuẩn quyết định khởi tố ông Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự. Ông Sơn trước đó đã bị tước danh hiệu công an nhân dân.
Ông Sơn bị cáo buộc tích cực trợ giúp một số người trong đường dây sửa chữa cho một số thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La. Ông cũng nhờ nâng điểm cho em vợ và một người khác.
Tại vụ án gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La, cơ quan điều tra hiện khởi tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: ông Sơn, ông Đỗ Khắc Hưng (54 tuổi, cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ), ông Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm); Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm); Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm); Lò Văn Huynh (Phó trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký); Nguyễn Thanh Nhàn (42 tuổi, Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT Sơn La).
Nhà chức trách cáo buộc, ngoài hành vi trực tiếp sửa bài thi, nâng điểm các môn thi trắc nghiệm cho thí sinh, các bị can Nga, Huynh cùng bà Nhàn còn cung cấp khóa phách cho bộ phận chấm thi tự luận để chấm nâng điểm môn Ngữ văn.
Sơn La có hơn 10.300 thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018, điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên ở môn Toán, Vật lý của tỉnh vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Cơ quan điều tra khi vào cuộc đã phát hiện nhiều bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu bị tẩy xóa trước khi gửi file dữ liệu bài gốc về Bộ Giáo dục.