Tay vợt người Australia gốc Nam Tư Jelena Dokic viết trong tự truyện của cô về những năm tháng phải chịu sự kiểm soát và bị đối xử tàn nhẫn bởi chính cha mình. Một trong những sự việc tiêu biểu là khi cô bị đuổi khỏi khách sạn sau trận thua Lindsay Davenport ở bán kết Wimbledon năm 2000. Năm ấy, Jelena mới 17 tuổi.
![cuu-tay-vot-so-bon-the-gioi-to-bi-cha-danh-den-ngat-xiu](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2017/11/14/Untitled-4720-1510646011.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R6NZyHFYKLZCQPDnejHn7g)
Jelena Dokic vén bức màn về những năm tháng bị hành hạ bởi người cha của cô. Ảnh: AP.
"Mày là một nỗi nhục. Mày không thể ở trong khách sạn này nữa. Mày phải ra ngoài và tự kiếm chỗ mà ngủ. Ở luôn tại Wimbledon hay ngủ ở nơi nào mày muốn. Chỗ nào cũng được, tao không quan tâm", Jelena thuật lại những gì cha cô - Damir Dokic nói. Theo Jelena, khi ấy Damir đã say xỉn.
Trọng tài của Wimbledon Alan Mills đã phát hiện Jelena ngồi ở sảnh khách sạn lúc 23 giờ sau khi được một người lao công khuyên bảo. Mills sau đó sắp xếp cho Jelena đến ngủ ở một căn nhà được công ty quản lý của cô thuê gần đó.
Jelena Dokic cũng tả lại trong quyển tự truyện những lần cô bị cha đánh đập bằng roi và bị gọi là "con điếm". Năm 19 tuổi, không chịu được cảnh bị đối xử tệ bạc, Dokic cắt đứt quan hệ với Damir. Mối quan hệ của hai cha con tay vợt này đến nay vẫn được nhắc đến. Đây là một trong những câu chuyện tiêu biểu dẫn đến việc WTA phải ra điều luật về đảm bảo sự an toàn cho các tay vợt.
Damir nổi tiếng là một người thích gây sự khi đi thi đấu cùng con gái. Ông từng bị Wimbledon cấm bén mảng đến giải vì ném điện thoại của một phóng viên. Năm 2000, ông bị cấm xuất hiện ở các giải đấu trong sáu tháng. Jelena tiết lộ rằng khi thi đấu ở Canada không lâu trước đó, cô đã bị cha đánh đến ngất xỉu.
Năm 2009, Damir phải ngồi tù một năm vì đe dọa đại sứ Australia. Với Jelena, sự nghiệp cô gặp nhiều trắc trở. Cô từng phải thi đấu ở các sự kiện quy mô nhỏ của ITF trước khi trở lại WTA vào năm 2009. Năm 2014, cô giải nghệ và bây giờ làm HLV.
Duy Đoàn