Theo lời kể của gia đình, ngày 10/12, 30 phút sau khi ăn sam, bé có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tê rần quanh môi miệng, hai bàn tay, hai bàn chân và kêu mệt. Người nhà đưa đến bệnh viện huyện sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong trạng thái li bì và khó thở.
![]() |
Những con Sam biển bị sóng đưa vào bờ. Ảnh: sc.afcd.gov |
Bệnh nhi đã được các bác sĩ rửa dạ dày, cho dùng than hoạt tính để hấp thu độc chất và truyền dịch và trợ thở bằng máy. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã dần tỉnh nhưng vẫn phải nằm tại khoa để được tiếp tục theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, chuyên Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, sam biển là loài có độc tính cao. Người ăn sam, có thể bị nôn mửa, hạ huyết áp, co giật , liệt hô hấp, hôn mê và tử vong nếu không đưa đến bệnh viện kịp thời.
"Để không ảnh hưởng đến tính mạng, người dân, nhất là những người sống ở vùng biển phía Nam nơi có nhiều sam sinh sống cần dạy trẻ không nên ăn sam. Khi có sự cố phải ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất", ông Tiến cảnh báo.
"Sam" gồm hai loại có tên khoa học là Tachypleus tridentatus (thường gọi là sam) và Carcinoscorpius rotunnicauda (thường gọi là so), mang độc tính khác nhau. "Sam" thường đi cõng nhau từng đôi, kích thước lớn, đuôi thường có gai, tiết diện cắt ngang đuôi có hình tam giác. "So" thường đi đơn lẻ, kích thước nhỏ, đuôi thường không có gai, tiết diện cắt ngang đuôi có hình tròn hoặc bầu dục. Cả hai đều có độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh rất nguy hiểm.
Thiên Chương