Ngày 29/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hòa Binh cho biết hai ngày trôi qua, thể trạng người bệnh bắt đầu suy mòn, yếu ớt, co giật nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá chuyên môn, bệnh nhân vẫn còn cơ hội có thể cải thiện được nhờ hồi sức. Các bác sĩ thuyết phục gia đình tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, dùng kháng sinh, chống viêm điều trị bội nhiễm, an thần tránh co giật, bổ sung dinh dưỡng qua ống sonde.
Bác sĩ Tạ Huy Kiên, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, nói khó khăn nhất là bệnh nhân tuổi cao, thể trạng yếu. May mắn, sau một tháng, bệnh nhân thoát nguy kịch, sức khỏe cải thiện, có thể tự ăn uống, nói và vận động.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên, tỷ lệ tử vong có thể đến 90%. Trường hợp sống sót thường có di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.
Hiện bệnh đã có vaccine phòng ngừa, song người dân tiêm phòng không đầy đủ và không tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm. Số ca xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động, để lại gánh nặng bệnh tật. Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi làm việc với vật dụng sắc nhọn cần có thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ. Nếu chẳng may bị thương, rửa vết thương dưới vòi nước sạch, sát trùng bằng dung dịch có cồn, đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván và theo dõi sức khỏe.
Thúy Quỳnh