Trước đó, bệnh nhi sốt khoảng 38 độ C, chơi và ăn uống bình thường. Sang ngày thứ hai, bé bớt sốt nhưng lại có cảm giác mệt. Ngày thứ ba, bé nôn ói nên gia đình đưa vào Bệnh viện quận Tân Phú, TP HCM. Nhận thấy tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch khi sốc nặng, rối loạn nhịp tim, các bác sĩ Bệnh viện Tân Phú lập tức liên hệ hội chẩn với đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bé gái đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sáng 26/7. Ảnh: Cẩm Anh |
Khuya 17/7, bé được chuyển tiếp cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, trợ tim, dùng thuốc chống rối loạn nhịp, đồng thời hội chẩn với Khoa tim mạch can thiệp hỗ trợ, tiến hành đặt máy điều trị rối loạn nhịp tim giúp bé phục hồi.
Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết khi trái tim bé dần mất chức năng co bóp, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ huy động các chuyên khoa và hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy để áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo, tuần hoàn và trao đổi oxy ngoài cơ thể) cứu sống bé.
Trước khi kịp đặt máy ECMO, bé đã ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ tiến hành hồi sức, ép tim cho bệnh nhi suốt một tiếng đồng hồ. Lúc này, quá trình hồi phục của bé căng thẳng, hồi hộp. Tim bé vẫn tiếp tục rối loạn nên phải điều chỉnh máy tạo nhịp, rối loạn nhịp, thậm chí sốc điện.
Lo sợ tình trạng ngưng thở, ngưng tim có thể để lại di chứng cho bé, các bác sĩ đã tiến hành song song kỹ thuật hạ thân nhiệt xuống 35 độ C để bảo vệ não bệnh nhi.
"Dù đã điều trị tích cực bằng những kỹ thuật mới, phải đến 24 giờ sau bé mới có những cử động đầu tiên. Trái tim của bệnh nhi vẫn chưa thể hoạt động ổn định, thậm chí có lúc 'đờ' hoàn toàn", bác sĩ Quang nói.
Sau một tuần hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu liên tục, bệnh nhi đã tỉnh lại, tình trạng huyết động cải thiện. Sáng 25/7, bé không còn thở máy và được theo dõi tích cực. Các bác sĩ cho biết nếu thuận lợi, bệnh nhi có thể xuất viện trong một tuần nữa.
Theo bác sĩ Quang, những ca ngưng tim do bệnh viêm cơ tim tối cấp rất dễ tử vong. Nếu không có hệ thống "tim phổi nhân tạo" ECMO, khả năng cứu sống gần như bằng 0. Trong trường hợp có mọi phương tiện đầy đủ nhất, y văn vẫn thống kê tỷ lệ tử vong là trên 90%.
Bệnh viêm cơ tim có triệu chứng sốt nhẹ, sau đó giảm sốt. Với các bệnh khác, khi bớt sốt bé sẽ tỉnh táo hơn, ăn uống và bắt đầu chơi đùa, song trường hợp viêm cơ tim, bé bớt sốt nhưng sẽ mệt hơn. Phụ huynh nếu thấy con bớt sốt vẫn không khỏe mà mệt mỏi hơn, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.