Thứ ba, 30/4/2024
Thứ ba, 7/11/2023, 17:00 (GMT+7)

Cựu sinh viên RMIT làm triển lãm bằng bìa carton

Hà NộiTriển lãm Doanh nghiệp xanh của cựu sinh RMIT sử dụng bìa carton trong thiết kế không gian, hướng tới thông điệp giảm thiểu sử dụng vật liệu khó tái chế.

Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng những vật liệu có nguồn gốc từ nhựa để trang trí sự kiện đông người, Phòng Quan hệ cựu sinh viên Đại học RMIT Việt Nam đã nghiên cứu tạo nên không gian triển lãm có tính tái chế cao với vật liệu chủ đạo là bìa carton. Sự kiện mở cửa miễn phí đến ngày 11/11, tại Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, Tầng 1, Đại học RMIT, 521 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Mỗi gian hàng triển lãm có kích thước lớn (2 m x 2,2 m), đòi hỏi người thi công phải chọn được chất liệu carton đặc biệt, dày và cứng hơn loại thông thường để đứng độc lập và vững chắc. Việc in ấn với cỡ chữ nhỏ và hiển thị màu sắc phong phú trên bề mặt ám vàng của carton cũng cần kỹ thuật in phức tạp.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh - đại diện đơn vị tổ chức cho biết, chị từng nghĩ có thể thực hiện ý tưởng này dễ dàng bởi bìa carton là vật liệu rất quen thuộc trong đời sống, dễ phân huỷ, tái chế và được ứng dụng phổ biến trong đóng gói, vận chuyển hàng hoá. "Thế nhưng, khi đề cập đến việc sử dụng loại vật liệu này, tôi đã nhận nhiều cái lắc đầu từ đơn vị thi công vì cách làm này hoàn toàn mới với dân làm sự kiện và họ phân vân không biết nên dựng thế nào", chị kể lại.

Trong ảnh là bộ bàn ghế được tái chế từ thùng carton đựng thiết bị điện tử. Sản phẩm có khả năng chịu tải đến 65kg và được lắp ghép bởi anh Lê Vũ Cường, cựu sinh viên RMIT, nhà sáng lập Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh 1516.

Cựu sinh viên RMIT mang đến nhiều ý tưởng đổi mới giúp thúc đẩy xu hướng sống xanh, sử dụng các sản phẩm có độ bền cao, thân thiện và giảm thiểu rác thải ra môi trường, trong đó có bộ sưu tập tái sử dụng "Còn gì dùng đó" của Biti's. Những chiếc giầy "độc bản" được ghép ngẫu nhiên từ vật tư còn thừa trong quá trình sản xuất.

Những sản phẩm nghệ thuật của Vụn Art được làm từ mảnh vải vụn thừa gom nhặt ở Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Vụn Art là mô hình kinh tế tập thể với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật, tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất.

Bà Manuela Spiga - Trưởng bộ phận Hướng nghiệp, cựu sinh viên và quan hệ doanh nghiệp tại RMIT chia sẻ, yếu tố bền vững đã được đưa vào trong Triển lãm Doanh nghiệp xanh. Việc đó góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời, giúp buổi triển lãm trở thành một minh họa cho việc tổ chức sự kiện theo cách thân thiện hơn với môi trường.

"Các doanh nghiệp có thể học hỏi từ những đơn vị đã áp dụng các phương pháp tiếp cận bền vững, từ đó, mang lại những hiểu biết, chiến lược và phương pháp có giá trị", bà khẳng định.

Nhật Lệ
Ảnh: RMIT