Trưa 3/4, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sản phụ sinh con thứ 3, cắt tử cung do nhau bong non, bị sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng, chưa loại trừ hội chứng tắc mạch ối.
Khoa Cấp cứu nhanh chóng hội chẩn trực tuyến, đồng ý tiếp nhận. Kíp cấp cứu do Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi chỉ huy sẵn sàng đón bệnh nhân.
Xe cứu thương vừa đến cổng Bệnh viện Bạch Mai cũng là lúc bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở. Một bác sĩ đứng luôn lên cáng, lập tức ép tim, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, trong khi các bác sĩ khác đẩy cáng vào, một người chạy đuổi theo sau che ô cho người bệnh.
Lúc bình thường, xe chở thẳng người bệnh đến cửa phòng cấp cứu, nhưng ngày hôm đó bệnh viện đang cách ly, xe chỉ đến được vùng đệm ở cổng. Trời mưa, 11 người đẩy cáng đón bệnh nhân. Khoảng cách từ vùng đệm đến khoa cấp cứu khoảng 500 m.
Sau 15 phút can thiệp, bệnh nhân tự thở trở lại, được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vô cùng thấp. Tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, máu bị axit hóa nặng và rối loạn đông máu.
Bệnh nhân được kíp cấp cứu thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Một khối lượng hồng cầu lớn cùng với các chế phẩm máu khác được truyền cho cô.
Nhận định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, việc hồi sức cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, lãnh đạo bệnh viện hội chẩn liên khoa để tìm phương án tối ưu. Các bác sĩ quyết định tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hồi sức chuyên sâu, hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) cũng được sẵn sàng sử dụng.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Đến cuối giờ chiều, bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở lần thứ hai. Kíp cấp cứu tiếp tục ép tim. Hy vọng sống sót của bệnh nhân rất mong manh.
15 phút, 30 phút, rồi 60 phút ép liên tục, trái tim của sản phụ vẫn không có phản ứng gì. Quyết tâm "còn nước còn tát", các biện pháp hồi sức tích cực vẫn được các bác sĩ tiến hành. Các bác sĩ, điều dưỡng nam thay phiên nhau ép, người này mệt người kia vào.
Theo quy trình, nếu ép tối đa 60 phút mà người bệnh không hồi phục, sẽ kết thúc cấp cứu, bệnh nhân tử vong.
"Nhưng bệnh nhân còn rất trẻ, tiền sử khỏe mạnh, chúng tôi cũng linh tính nào đó sẽ cứu được", bác sĩ Chi nói. Ông vận động anh em nỗ lực, kiên trì.
Sau hơn 120 phút ép tim liên tục, tim bệnh nhân đập trở lại, rất yếu ớt.
Bác sĩ tiếp tục các biện pháp hồi sức, dùng thuốc hỗ trợ mạch. Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định nhưng vẫn cần máy thở, tiếp tục truyền 4,8 lít máu. Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần. Tuy nhiên, tình trạng mất máu vẫn tiếp diễn, ống thông dạ dày bệnh nhân ra máu đỏ tươi. Bệnh nhân được nội soi dạ dày cầm máu cấp cứu.
72 giờ sau, bệnh nhân đã ổn định hơn. Điều đặc biệt là sau thời gian dài ngừng tim, các dấu hiệu về tri giác của cô có biểu hiện phục hồi, không cần máy thở và thiết bị hỗ trợ tuần hoàn nữa.
Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, nói thêm việc ép tim cho bệnh nhân suốt 2 tiếng đồng hồ nhằm kích thích tim, đồng thời "câu giờ" cho các biện pháp cấp cứu khác. Khoa đã gặp và cứu được nhiều trường hợp nguy kịch như vậy.
Sau 5 ngày vợ trong cơn thập tử nhất sinh, người chồng mới được vào gặp. "Khi các bác sĩ giải thích vợ tôi nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tôi đồng ý ngay. Lúc đó tôi chả nghĩ gì đến tâm dịch hay Covid, chỉ cần vợ được sống", người chồng chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai cách ly từ ngày 28/3, song vẫn tiếp nhận những bệnh nhân rất nặng từ các tuyến chuyển về. Hôm qua, chính quyền Hà Nội cho biết bệnh viện sẽ được tháo cách ly, khám chữa bệnh bình thường trở lại từ ngày 12/4.