Thông tin này được phía Thụy Sĩ đưa ra tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 76 ở thủ đô Bern tối 1/9.
Tại buổi lễ, Đại sứ Raphael Nägeli, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ cho hay, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 31/8 đã thông qua đệ trình của Việt Nam về việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự với TS Philipp Rösler.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein Lê Linh Lan cho biết, Sứ quán sẽ trao quyết định bổ nhiệm ông Philipp Rösler trong tháng này.
Ông Philipp Rösler sinh năm 1973 tại tỉnh Sóc Trăng, cha mẹ đều là người Việt. Ông được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa về Tây Đức khi mới 9 tháng tuổi. Ông được đào tạo trở thành bác sĩ, tiến sĩ y khoa trong quân đội Đức, rồi tham gia chính trị và nhanh chóng thăng tiến.
Ở tuổi 36, ông trở thành Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức. Hai năm sau, ông làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức. Sau khi rời chính trường Đức tháng 12/2013, ông Philipp Rösler làm việc cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Rời WEF cuối năm 2017, ông chuyển lên thành phố Zurich và tham gia vào địa hạt kinh doanh, làm cố vấn cho nhiều doanh nghiệp khắp thế giới. Năm 2020, ông lập công ty tư vấn Consessor AG tại tiểu bang Zug, kết nối các nhà đầu tư quốc tế với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Zurich và Zug nằm ở vùng trung tâm kinh tế miền Bắc Thuỵ Sĩ. Việc ông Philipp Rösler được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự tại hai tiểu bang này được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa các kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ.
Trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội tháng trước, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã kêu gọi nhanh chóng đi đến FTA giữa Việt Nam và EFTA.
Chia sẻ tại buổi lễ mừng Quốc khánh Việt Nam, Đại sứ Nägeli cũng nhìn nhận, điều kiện để Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA, gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) đi đến hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay "rất tốt".
Việt Nam đã có FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) nên ông cho rằng, "coi như đã có tiêu chuẩn cho một FTA tương tự giữa Việt Nam với Thụy Sĩ / EFTA".
"Thụy Sĩ dĩ nhiên không chấp nhận tiêu chuẩn thấp hơn so với những cái đã có trong EVTFA", ông nói thêm.
Việt Nam và EFTA đã đàm phán FTA từ năm 2012. Quá trình đàm phán bị khựng lại từ giữa năm 2018 sau vòng thứ 16 do một số bất đồng về lĩnh vực mua sắm công và bảo vệ sở hữu trí tuệ, theo chia sẻ của Trưởng đoàn đám phán Thụy Sĩ Karin Büchel năm 2020.
Theo Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Việt Nam có tiềm năng đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ "một khi quyền tiếp cận được rộng mở". Tiềm năng đáng kể hiện nay là lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và công nghệ tài chính (fintech).
Chủ tịch Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG), bà Nguyễn Thị Thục, cho biết kể từ khi ra mắt vào tháng 3, SVBG đã tiếp nhận nhiều doanh nghiệp fintech của Thụy Sĩ đề nghị cung cấp thông tin thị trường, các quy định pháp lý chuyên ngành, tìm kiếm chuyên viên lành nghề và đối tác tiềm năng tại Việt Nam... cho kế hoạch mở rộng vào Việt Nam và châu Á.
Thục Minh