Dự kiến phiên xử ông Dương Tự Trọng (cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng) cùng 6 người khác sẽ mở trong thời gian từ ngày 7 đến 8/1 tại TAND Hà Nội, thay vì ngày 27/12 như kế hoạch trước đó. Điều hành phiên xử là thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh toà hình sự.
Theo tìm hiểu của VnExpress, 5 luật sư tham gia phiên xử là Nguyễn Đình Hưng, Trần Thiện Thuật, Nguyễn Thái Hoà, Đặng Việt Hùng và Vũ Thị Kim Ngọc đều thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Trong số này, ông Hưng và bà Ngọc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trọng.
Theo truy tố của VKSND Tối cao, ông Dương Tự Trọng (52 tuổi) bị truy tố tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài (điều 275 Bộ luật Hình sự), với vai trò chủ mưu, khung hình phạt cao nhất từ 12 đến 20 năm tù. Bị xác định có vai trò thứ hai trong vụ án, bị can Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, nguyên phó phòng cảnh sát hình sự Hải Phòng) bị truy tố cùng mức với ông Trọng.
5 đồng phạm còn lại của ông Trọng gồm bị can Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi, nguyên cảnh sát hình sự Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (52 tuổi, nguyên giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng) và Đồng Xuân Phong (39 tuổi), Trần Văn Dũng (45 tuổi). Được VKS xác định có vai trò thấp hơn, phạm tội do bị ép buộc và là cấp dưới... Nhóm 5 người này bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Theo truy tố, chiều 17/5/2012, được mật báo qua điện thoại về việc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) vội gọi điện thoại báo cho em trai là Dương Tự Trọng (Phó giám đốc Công an Hải Phòng). Theo hướng dẫn, ông Dũng trốn đến nhà Hoàng Kim Nhung (bạn của ông Trọng) tại quận Cầu Giấy.
Từ Hải Phòng, ông Trọng mượn điện thoại của cấp dưới liên lạc với cô Nhung bảo ra ngõ đón ông anh vào nhà. Hai người thân tín của ông Trọng là Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng đến phòng làm việc của Trọng để thông báo về việc ông Dũng bị khởi tố, bắt giam. Ngay sau đó 3 người bàn kế hoạch tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài.
Ngày 19/5/2012, ông Sơn cùng Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ hải quan Hải Phòng đang bị truy nã) và Trần Văn Dũng ( tức Dũng "Bắc Kạn") sau bàn bạc đã thống nhất sẽ tổ chức cho ông Dũng vào TP HCM, qua đường tiểu ngạch qua cửa khẩu biên giới Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) trốn sang Campuchia, rồi đi sang Mỹ.
Thực hiện kế hoạch, sáng 20/5/2012, tại phòng làm việc, ông Trọng yêu cầu Thắng cùng Nguyễn Trọng Ánh (cán bộ Công an Hải Phòng) chiều hôm sau đến Quảng Ninh đón ông Dũng đi đường bộ vào TP HCM. Xe được ông Trọng bố trí trợ lý riêng của mình lái. Theo yêu cầu của ông Trọng, Thắng và Ánh sử dụng sim rác để liên lạc. Điện thoại chính phải để ở nhà...
Tối 23/5/2012, đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, ông Dũng được đưa trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch; còn Phong (dùng hộ chiếu giả) và Dũng "Bắc Kạn" xuất cảnh công khai. Gặp nhau tại một casino, hai người này đưa tiếp ông Dũng vào thủ đô Phnom Penh.
Trưa 24/5/2012, Phong mua vé máy bay và cùng ông Dũng sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Dũng "Bắc Kạn" quay trở về Việt Nam. Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng quay về Campuchia. Ngày 4/9/2012, ông Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.
5 tháng sau (ngày 22/2), ông Trọng bị bắt, lúc này đã lên chức Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Trước đó, theo phán quyết ngày 16/12 của TAND Hà Nội, do làm thất thoát hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ trong thương vụ mua ụ nổi 83M, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình. Cùng mức án và tội danh là cựu Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc. Liên quan vụ án này, 8 cựu quan chức gồm phó tổng giám đốc, kế toán trưởng Vinalines và cán bộ hải quan, đăng kiểm... bị phạt từ 4 năm đến 22 năm tù. |
Mai Chi