Cựu phi hành gia Michael A.Baker (69 tuổi) người có gần 1.000 giờ bay ngoài không gian mở đầu câu chuyện của mình với hơn 1.500 học sinh, sinh viên tại TP HCM trong chuỗi sự kiện Vietnam Space Week, sáng 7/6. Ông là một trong bảy phi hành gia thực hiện nhiệm vụ trong không gian kéo dài 10 ngày vào tháng 1/1997 trên tàu vũ trụ con thoi STS 81. Nhiệm vụ của ông và đoàn là thực hiện tiếp tế nguyên, nhiên liệu tổng khối lượng hơn 5.000 pound (khoảng 2,5 tấn) cho trạm vũ trụ quốc tế của Nga và thực hiện hoạt động nghiên cứu.
Chia sẻ cảm nhận khi bay vào không gian, ông hồi tưởng khi nhìn thấy xung quanh màu đen thăm thẳm, cảm giác rất cô đơn. Nhưng khi quan sát Trái Đất với màu xanh, bầu khí quyển bao quanh, ông cảm nhận sự kết nối tâm hồn với hành tinh xanh và tự nhủ phải bảo vệ nơi có sự sống duy nhất trong hệ Mặt Trời. "Tôi cảm thấy trân quý hành tinh của chúng ta", ông Michael A.Baker nhớ lại.

Cựu phi hành gia Michael A.Baker (trái) cùng bác sỹ Josefs Schmid tại buổi giao lưu với hơn 1.500 học sinh, sinh viên tại TP HCM, sáng 7/6. Ảnh: Hà An
Trước khi thực hiện việc khớp nối với trạm không gian quốc tế của Nga để tiếp nguyên, nhiên liệu, nhóm phi hành gia của Michael A.Baker phải đi vòng quanh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu. Trong khoảng thời gian này, ông chụp nhiều hình ảnh Trái Đất bằng ống kính có tia hồng ngoại. Đó là cơ hội để ông ngắm nhìn hành tinh xanh, được chiêm ngưỡng và có nhiều góc nhìn mới lạ ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông kể, sau 10 ngày ở không gian với nhiệm vụ trên tàu STS 81, việc trở về Trái Đất với ông và các thành viên trong đoàn là một thách thức. Khi đó phi hành gia phải tiếp đất với tốc độ trên 195 dặm mỗi giờ, nhanh hơn nhiều so với tốc độ của máy bay thương mại (khoảng 125 dặm mỗi giờ). Việc tiếp đất phải đảm bảo giảm tối đa ma sát, giảm sức nóng bên trong để đảm bảo an toàn cho phi hành gia.

Một em nhỏ xin chữ ký và tranh thủ trò chuyện bằng tiếng Anh với phi hành gia Michael A.Baker. Ảnh: Hà An
Là bác sĩ chuyên chăm sóc phi hành gia, ông Josefs Schmid chia sẻ, khi trở về Trái Đất họ phải chuyển từ trạng thái không trọng lượng sang có trọng lượng. Điều này khiến các dịch lỏng trong cơ thể, các cơ quan nội tạng, hệ xương có sự dịch chuyển nên cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi. Phi hành gia phải mất vài giờ đến vài ngày để trở lại sự cân bằng.
Ngoài vấn đề thể chất, các phi hành gia phải đảm bảo tâm lý thoải mái nhất khi tham gia hành trình trong không gian. "Trước khi lên tàu vũ trụ phải có tâm lý thoải mái và luôn cần nở nụ cười", bác sĩ Josefs Schhmid chia sẻ. Hiện nay, các phi hành gia có điều kiện giao tiếp với người thân, gia đình trong quá trình làm nhiệm vụ trong không gian khi họ được trang bị hệ thống liên lạc, internet nên có thể kết nối với Trái Đất thông qua trạm vũ trụ quốc tế.
Gửi lời nhắn nhủ với các bạn trẻ, Michael A.Baker cho rằng để trở thành phi hành gia cần quá trình nuôi dưỡng đam mê và sự quyết tâm cũng như quá trình luyện tập cực kỳ bền bỉ. Ông chia sẻ, bản thân may mắn khi có cha là lính hải quân - tấm gương truyền lửa đam mê khiến ông tham gia huấn luyện hải quân khi trưởng thành để trở thành phi công.
Điều khiến Michael A.Baker quyết định trở thành phi hành gia khi ông tham gia triển lãm của NASA những năm 1980. Những hình ảnh ngoài không gian hút hồn khiến chàng trai nộp đơn và cạnh tranh với 16.000 hồ sơ đều là những phi công để chọn ra 10 người. Michael A.Baker là một trong số 10 người đó.
Ông cho rằng, Việt Nam cần có chương trình riêng về huấn luyện hàng không vũ trụ. Các bạn trẻ Việt Nam có thể học tập lĩnh vực này nước ngoài tham gia quá trình tuyển chọn khắc nghiệt, trở thành phi hành gia. Hơn một nửa phi hành gia của Mỹ phục vụ trong quân đội, còn lại là những lĩnh vực khác.

Đông đảo các bạn học sinh, sinh viên hào hứng xin chữ ký của phi hành gia cùng các thành viên trong đoàn. Ảnh: Hà An
Đề cập đến những thách thức của lĩnh vực khoa học vũ trụ, ông Michael A.Baker cho biết, hiện có rất nhiều vệ tinh phóng lên và khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tạo ra những mảnh vỡ, gọi là rác trên không gian. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 mảnh vỡ vệ tinh lơ lửng trên không trung. Các mảnh này có thể tạo ra các vụ va chạm trong không gian hay bay vào khí quyển ma sát với không khí và có thể bốc cháy khi rơi vào Trái Đất. "Các quốc gia đang hợp tác để giải quyết vấn đề này và đây là đề tài cần các bạn trẻ có ý tưởng thu dọn rác trên không gian", ông Michael A.Baker gợi ý.
Hà An