"Cũng trên đường băng này, không khó để nhớ lại hai chiếc MiG -21 của Việt Nam cất cánh, trong khi hai chiếc 4-J của tôi cùng đồng đội lao xuống, một phi công Việt Nam đã trúng tên lửa mà không kịp nhảy dù", ông Dose chia sẻ với VnExpress về chuyến thăm sân bay Kép ở tỉnh Bắc Giang, một phần trong chương trình giao lưu giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam.
Cuộc trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh của ông Dose còn bất ngờ hơn khi ông gặp gỡ gia đình của chính người ông bắn rơi vào ngày 10/5/1972, phi công Nguyễn Văn Ngãi. Đó là trận chiến khốc liệt mà Dose là một trong các phi công của Hải quân Mỹ bảo vệ các máy bay tấn công các mục tiêu ở Hải Phòng.
"Chị gái của ông ấy cùng người nhà gặp tôi và mang theo bức ảnh, bỗng nhiên tôi cảm thấy có mối liên hệ cá nhân với người phi công đó. Lúc hai bên giao tranh chúng tôi không biết phi công là ai, chúng tôi chỉ biết máy bay kia của đối phương và cố gắng để tránh bị bắn rơi", Dose nói.
Đại tá Từ Đễ, người chứng kiến trận không chiến tại sân bay Kép năm 1972 khi đang nhận nhiệm vụ trực máy dưới mặt đất, tận mắt thấy phi công Ngãi hy sinh, chia sẻ ông cảm thấy "có chút khoảng cách" với Dose khi mới gặp mặt lần đầu. Tuy nhiên khi cùng các phi công Mỹ đến sân bay, nghe Dose nói rằng "cả hai bên đều làm nhiệm vụ, khi đó là chiến tranh", ông Đễ cảm nhận được thiện chí mong muốn khép lại quá khứ của "cựu thù". Sau đó hai người đã trở nên thân thiết hơn.
"Tôi cho rằng cuộc gặp gỡ giữa các cựu phi công Mỹ với Việt Nam là một cuộc gặp hiếm có, điều đó thể hiện tinh thần của hai bên, vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai. Hợp tác Việt Nam và Mỹ giờ đây đang phát triển mạnh mẽ vì có chung nhiều lợi ích ", ông Đễ nói.
Đại tá Từ Đễ là phi công của Phi đội Quyết thắng, lái A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/4/1975.
Cùng với hơn 20 cựu phi công Mỹ và Việt Nam đang có chương trình giao lưu tại Hà Nội và một số tỉnh miền Trung, Dose lý giải việc ông đến Việt Nam lần này là muốn khép lại cuộc chiến mình đã tham gia. Từ khi đến Hà Nội, ngày nào ông cũng gửi email về cho gia đình và bạn bè kể về những người mình gặp những việc ông làm ở Việt Nam. Ông không giấu được sự vui mừng khi gặp lại và có thể nói chuyện như những người bạn với các cựu phi công từng ở bên kia chiến tuyến, mọi người hiểu nhau hơn, uống với nhau và không thiếu những lúc cùng cười lớn khi có người pha trò. Điều đó giúp ông "đóng lại một chương của quá khứ".
Dose bắt đầu tham gia lực lượng Hải quân Mỹ đến Việt Nam từ năm 1969, khi ở tuổi 28, ông kết thúc nhiệm vụ và trở về Mỹ cuối năm 1972. Sau đó ông tiếp tục công việc là phi công hải quân, chuyên thử nghiệm các máy bay mới trong 4 năm rồi dành 25 năm làm việc cho các hãng hàng không TigerAir, Fedex Airlines. Ông kết hôn và có hai con gái và 10 cháu ngoại.
Đại tá Jack Ensch, phi công từng tham chiến từ năm 1966 đến 1973, chia sẻ ông đến Việt Nam lần này là để tìm hiểu về những người từng là cựu thù, về cuộc sống của họ như thế nào sau chiến tranh. Ông cũng mong có cơ hội nhìn lại quãng thời gian ở tù 8 tháng thời đó, so sánh với hiện tại. Jack bông đùa rõ ràng đồ ăn bây giờ ngon hơn khi đó rất nhiều.
"Thời gian sẽ chữa lành vết thương nhưng cũng vẫn để lại sẹo. Chiến tranh đã khép lại, chúng ta hãy để nó là quá khứ và hướng tới tương lai", ông Jack nói.
Với Đại úy Clinton Johnson, là phi công tham chiến trong thời gian 1965-1966, cho biết ông nhận được thông tin về phi công Việt Nam mà ông đã bắn rơi trong chiến tranh là người có nhiều điểm giống mình, cùng ở tuổi 28 khi đó và cùng có một cậu con trai.
"Tôi chỉ có một mong muốn, đó là được gặp lại anh ấy hôm nay", Johnson nói.
Chứng kiến những thay đổi của Việt Nam khi đến một số địa điểm, Dose cho biết ông yêu quý con người và cả phong cảnh Việt Nam, những con người thân thiện và phong cảnh tuyệt đẹp. Ông cũng tin rằng mối hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đang có sự phát triển chưa từng có.
Theo Đại tá Từ Đễ, ông mong muốn Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, đồng thời chia sẻ những mối quan tâm chung như hợp tác an ninh trên biển, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, người cùng tổ chức cuộc gặp mặt này, cho biết ông rất xúc động khi chứng kiến các cựu phi công Mỹ thắp hương tưởng nhớ các phi công Việt Nam đã hy sinh. Ông mong thời gian tới còn nhiều cựu phi công Mỹ khác sẽ đến Việt Nam để góp phần thúc đẩy mối hợp tác giữa hai nước Việt - Mỹ.
Cuộc gặp giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam diễn ra giữa tháng 4 sau 6 năm chuẩn bị. Đây là sáng kiến của trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không, Không quân và Đại tá Charile Tutt, cựu phi công thủy quân lục chiến Mỹ. Họ là những người từng đối thủ của nhau trên không trong quãng thời gian từ năm 1965 đến 1973.
Việt Anh