Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat hôm 2/5 thừa nhận nước này không có biện pháp đối phó bom dẫn đường đang được Nga triển khai, nhấn mạnh hai tổ hợp phòng không Patriot được phương Tây viện trợ là không đủ và tiếp tục kêu gọi Mỹ cung cấp tiêm kích F-16.
Chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 luôn là khí tài được Kiev đề cập khi kêu gọi viện trợ từ phương Tây. Dù vậy, các chuyên gia quân sự và cựu phi công tiêm kích cho rằng tình hình chiến trường Ukraine hiện nay khiến dòng F-16 không thể hiện được tính năng, thậm chí khó lòng sống sót trên bầu trời.
"Tiêm kích thế hệ 4 như F-16 không có đất diễn trên chiến trường hiện đại. Chúng thiếu tính năng tàng hình và hoàn toàn bị áp đảo trong môi trường có nhiều mối đe dọa như hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga", John Venable, cựu phi công từng phục vụ 25 năm trong không quân Mỹ, thừa nhận.
![Tiêm kích F-16 Mỹ hạ cánh tại căn cứ ở Đức hồi đầu tháng 4. Ảnh: USAF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/05/F-16-1-5059-1683260401.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1v1NZ0il1JnUPkQ1tRkfYA)
Tiêm kích F-16 Mỹ hạ cánh tại căn cứ ở Đức hồi đầu tháng 4. Ảnh: USAF
Cựu phi công Mỹ chỉ ra loạt lý do khiến loại tiêm kích này không phù hợp với không quân Ukraine, trong đó có nguy cơ S-400 đánh lừa hệ thống chỉ thị mục tiêu của F-16. Mẫu tiêm kích này cũng hoàn toàn có thể bị lưới phòng không Nga bắn rơi trước khi kịp vào tầm thả vũ khí.
"Cung cấp thêm tiêm kích MiG-29 cho Ukraine không thay đổi được tình hình chiến trường. Ngay cả khi Mỹ viện trợ cho họ những chiếc F-16 hiện đại nhất, cục diện chiến sự cũng không có đột phá nào trong vòng một năm tới, chứ chưa nói đến cuộc phản công mùa xuân đang được chờ đợi", Venable nhận xét.
Cựu phi công Mỹ cũng chia sẻ trải nghiệm khi điều khiển tiêm kích F-16 trên bầu trời châu Âu trong quá khứ, nhấn mạnh nó sở hữu hệ thống gây nhiễu có hiệu quả trước tổ hợp phòng không 2K12 Kub hoặc Buk-M1 từ thời Liên Xô, cũng như mang được tên lửa diệt radar uy lực như AGM-88 HARM.
"Tôi từng có khả năng đối phó hiệu quả với lưới phòng không đối phương hồi thập niên 1980-1990, nhưng năng lực của Nga đã nhảy vọt trong những năm qua. Giờ đây những chiếc F-16 sẽ khó sống sót trên bầu trời Ukraine", Venable thừa nhận.
Tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), hồi tháng 3 cảnh báo lưới phòng không đa tầng dưới mặt đất kết hợp tiêm kích mang tên lửa đối không tầm xa của Nga khiến Ukraine sẽ khó triển khai máy bay cho những chiến dịch phản công hiệp đồng quy mô lớn. "Họ không thể tùy ý hoạt động và làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực tầm gần cho bộ binh", ông nói.
Mỹ đã cung cấp tên lửa diệt radar AGM-88B HARM cho phi đội tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 và chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 Ukraine, nhằm đối phó các hệ thống phòng không Nga. Dù vậy, chiến đấu cơ Ukraine vẫn phải bay gần mặt đất để tránh bị phòng không Nga phát hiện, cũng như hạn chế nguy cơ bị tiêm kích đánh chặn từ xa.
![Tên lửa S-300V Nga triển khai tại Ukraine hồi tháng 7/2022. Ảnh: Zvezda](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/05/ukraine-123-JPG-1732-165733598-2285-4599-1683260401.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7jEoTaKT7jRBdXC-Cltlvg)
Tên lửa S-300V Nga triển khai tại Ukraine hồi tháng 7/2022. Ảnh: Zvezda
Báo cáo năng lực phòng không Nga do Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) có trụ sở tại Mỹ công bố gần đây cũng đưa ra nhận định tương tự, trong đó đánh giá Nga sở hữu lực lượng không quân áp đảo Ukraine cả về số lượng và trình độ kỹ thuật, cũng như đang triển khai lưới phòng không đa tầng trên chiến trường.
"Những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với máy bay Ukraine. Phần lớn chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay không người lái của Kiev bị bắn hạ bởi lực lượng này", báo cáo của CNA có đoạn.
Vũ Anh (Theo Business Insider)