Vấn đề phụ nữ giải khuây Trung Quốc trong Thế chiến II. Nguồn: SCMP.
Ít nhất 200.000 phụ nữ Trung Quốc bị bắt cóc và trở thành nô lệ tình dục khi phát xít Nhật xâm chiếm nước này hồi Thế chiến II, nhưng hiện nay chỉ còn 14 người còn sống, theo số liệu chính thức của Trung Quốc.
Peng Renshou, 94 tuổi và em gái Peng Zhuying, 90 tuổi, tới từ thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, đều từng làm nô lệ tình dục cho lính Nhật, hay còn gọi là "phụ nữ giải khuây". Các tình nguyện viên tìm thấy hai cụ bà tại một bảo tàng ở tỉnh Giang Tô trong lễ tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh do người Nhật tiến hành, theo Xinhua. Ban đầu họ phủ nhận về thân phận, nhưng sau khi được các tình nguyện viên thuyết phục, hai người hôm 19/7 đã kể lại trải nghiệm kinh hoàng của mình.
Bà Renshou cho biết mình bị lính Nhật bắt cóc vào năm 1939, khi bà mới 14 tuổi, và bị đưa đến một "trạm giải khuây", thực chất là nhà thổ của lính Nhật.
Bà bị cưỡng bức liên tục tới khi đổ bệnh và bị ném ra ngoài. Ngay sau khi hồi phục, bà phải quay lại nhà thổ phục vụ, rồi bị đâm bằng dao do không đáp ứng được nhu cầu của binh lính. Cuối cùng, bà trốn thoát và tham gia phong trào kháng chiến chống Nhật ở địa phương.
Còn Zhuying, em gái bà Renshou, bị mù bởi vũ khí sinh học vào năm 1938. Lính Nhật đưa bà vào nhà thổ quân đội năm 1944 và nhiều lần cưỡng hiếp bà tại đây.
Việc Nhật Bản miễn cưỡng xin lỗi các nô lệ tình dục thời chiến là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nhà hoạt động Hàn Quốc ước tính có khoảng 200.000 phụ nữ Hàn Quốc bị bắt cóc làm nô lệ tình dục, tương tự số liệu mà Bắc Kinh đưa ra.
Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia đầu tiên vào ngày 13/12/2014 để tưởng nhớ vụ thảm sát Nam Kinh, tội ác chiến tranh do quân đội phát xít Nhật gây ra tại thành phố này từ tháng 12/1937 tới tháng 1/1938. Đây được coi là một trong những vụ thảm sát và hãm hiếp hàng loạt tàn bạo nhất trong lịch sử.
Ánh Ngọc