Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Yên Bái) vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Lê Duy Phong (33 tuổi, cựu trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam) về hành vi cưỡng đoạt tài sản, theo điều 135 Bộ luật hình sự 1999.
Tin nhắn doạ dẫm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái
Công an Yên Bái cho rằng Phong cử một phóng viên đến Yên Bái xác minh nguồn gốc tài sản trên đất của gia đình Giám đốc Công an và Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh này.
Giữa tháng 6/2017, Phong nhắn tin tới số điện thoại của ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái), thông báo đang xác minh nguồn tài sản của gia đình ông và hẹn gặp.
Trong cuộc gặp một ngày sau đó tại phòng làm việc của ông Sáng, nam nhà báo nhắc đến chuyện “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái khi đó) bị đưa tin trên báo vì ông này “xử lý không khéo”. Do có một báo đã đăng bài viết về nhà mình nên ông Sáng lo sợ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân.
Công an Yên Bái cáo buộc, Phong đề nghị ông Sáng đưa 200 triệu đồng để “giải quyết ổn thoả và không viết bài” về tài sản trên đất của gia đình ông này. Vị Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư đồng ý và đưa cho anh ta 100 triệu đồng tại phòng làm việc. Chiều cùng ngày, ông Sáng đưa nốt 100 triệu đồng.
Ngay hôm đó, Phong chỉ đạo phóng viên dừng tìm hiểu về “nguồn gốc” căn nhà của ông Sáng.
Trong khi đó, ông Sáng cho rằng "không thể im lặng" nên đã làm đơn trình báo Công an thành phố Yên Bái.
26 phóng viên bị triệu tập
Ngày 22/6/2017, Công an thành phố Yên Bái phát hiện Phong ăn trưa cùng ông Hoàng Trung Thực - người kinh doanh vận tải trên địa bàn. Tại cuộc nhậu do người bạn môi giới, bị can "khoe" là tác giả bài viết liên quan đến nhà đất của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.
Nghe Phong tiết lộ việc làm ăn đang bị “tìm hiểu”, ông Thực vội ngỏ ý xin không viết bài. Sau câu trả lời “không thể giải quyết tình cảm”, ông Thực liền đưa 50 triệu cho Phong. Hành vi này bị công an bắt quả tang ngay tại bàn ăn.
Một ngày sau đó, Phong bị Công an thành phố Yên Bái khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 280 Bộ luật hình sự 1999 (khung hình phạt cao nhất tới án tù chung thân). Trong quá trình điều tra, ngày 18/9/2017, Công an tỉnh Yên Bái chuyển tội danh thành Cưỡng đoạt tài sản, theo điều 135 (khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù). Ngày 29/6/2017, Phong bị thu thẻ nhà báo.
Theo kết luận điều tra, Phong khai nhận mọi hành vi song sau đó đã phản cung. Bị can Phong cho rằng bị công an thành phố Yên Bái ép, mớm cung nên mới khai đã nhận 250 triệu đồng của hai người. Tuy nhiên, Công an tỉnh Yên Bái cho rằng lời khai này không có căn cứ.
Quá trình điều tra, Phong cũng khai dùng 200 triệu chia cho 26 phóng viên, nhà báo. Công an Yên Bái đã làm việc với những người này nhưng tất cả đều phủ nhận lời khai trên.
Khi đối chất, anh ta đã thay đổi lời khai, cho rằng không chia tiền.
Số tiền 1,6 tỷ trong tài khoản của mình, Phong khai có 70 triệu đồng chiếm đoạt của ông Sáng, còn 1,5 tỷ có do buôn bán bất động sản. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng người này không khai được cụ thể việc buôn bán nên không có cơ sở xác minh.