Đó là tận một tuần trước khi bão vào bờ. Vậy mà thực tế không như tôi nghĩ. Cả tuần sau bão, tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt vô hồn của người đàn ông vừa mất đi cả gia đình sau cơn lũ dữ ở Quan Sơn, Thanh Hóa. Anh mới chỉ chia tay người thân cách đó vài hôm để xuống phố làm thuê, khi trở về thì bố mẹ, chị gái, vợ và hai con thơ đã bị lũ cuốn đi cùng ngôi nhà của họ. Thật khó có thể tưởng tượng được nỗi đau này. Cuộc đời anh, cũng như bao người khác, đều thay đổi mãi mãi sau những đợt thiên tai ở Việt Nam.
Trong đầu tôi cứ luẩn quẩn câu hỏi tại sao bão không lớn mà mất mát và thiệt hại lại quá lớn như vậy? Nguyên nhân từ đâu? Thông tin cảnh báo chính là mấu chốt của vấn đề.
Hơn 10 năm qua, công việc chuyên môn của tôi gắn liền với thiên tai và biến đổi khí hậu. Tôi có thói quen đưa tin cảnh báo trước về thiên tai trên trang của mình với mong muốn mọi người được biết cụ thể nhất về nguy cơ có thể xảy đến. Tôi hy vọng có thể giúp người dân, dù là số ít, biết được để có phương án tránh trú an toàn và bảo vệ tài sản.
Tôi rất vui khi nhận được tin nhắn cảm ơn sau mỗi đợt thiên tai từ những người tôi chưa từng gặp. Hai mẹ con một chị ở Nha Trang sau khi đọc được dự báo về cơn bão Damrey năm 2017 đã đi tránh bão ở nhà ông bà ngoại. Lúc họ quay về, ngôi nhà đã tan hoang. "Nếu không có thông tin, mẹ con tôi không biết như thế nào", chị nhắn tin và kết bạn với tôi.
Năm ngoái, nhờ theo dõi dự báo của tôi về đợt nắng nóng kỷ lục, một gia đình trồng dược liệu đã tập trung thu hái nguyên liệu, đem phơi và chế biến thay vì trồng đợt mới. Chị đã gửi tặng sản phẩm để cảm ơn, và tôi vẫn đang dùng dầu gội đầu chế biến từ dược liệu của họ.
Những bản tin dự báo thời tiết cực đoan của tôi không phải mọi lần đều đúng, nhưng có một điều tôi luôn lưu ý người đọc, đó là đừng chủ quan, đặc biệt với hoàn lưu bão. Thống kê thiệt hại về thiên tai ở Việt Nam cho thấy hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt và lũ quét đã làm thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với bản thân cơn bão trước đó.
Người dân vẫn thường chủ quan khi nghe dự báo "bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới" và coi như mình đã ở vùng an toàn. Thực tế, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão trong đất liền rất nguy hiểm. Đa phần những thiệt hại về người và của là do thông tin dự báo thiếu chính xác, thiếu cụ thể, hoặc người dân dù đã nghe tin dự báo nhưng chủ quan rằng bão lũ sẽ chẳng đến được chỗ mình. Những bản làng vùng sâu, vùng xa lại càng ít có cơ hội cập nhật hơn. Thông tin vẫn là khoảng cách lớn, có giá trị bằng tính mạng con người.
Tôi vẫn luôn cho rằng, để nâng cao khả năng chống chọi với thiên tai và biến đổi khí hậu cực đoan, điều quan trọng nhất là cứu người. Không cứu được cái gì thì cũng phải cứu được người. Và thực ra, cứu người không khó. Chúng ta chỉ cần biết được thông tin sẽ có bão, lũ xảy ra ở đâu và khi nào. Nếu xác định được cụ thể, việc sơ tán người sẽ đơn giản, đã không có chuyện hàng chục người chết và mất tích sau một cơn bão nhỏ.
Ví dụ, nếu người dân được báo sau một tiếng nữa lũ sẽ đến, họ thậm chí không cần chạy lũ, chỉ cần đi bộ tránh khỏi vùng có nguy cơ lũ quét thì ít nhất cũng bảo vệ được tính mạng của mình và gia đình.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: có những dự báo, ngay cả của các trung tâm dự báo uy tín thế giới và của cơ quan chức năng Việt Nam đã không thể xác định được cụ thể lũ sẽ về điểm nào và thời điểm nào. Công tác dự báo thiên tai và thời tiết cực đoan hiện nay không thể dự báo được chi tiết đến từng xã, phường, con sông, con suối.
Cơ quan chức năng của Việt Nam mới chỉ đưa ra được là "có nguy cơ lũ quét" chứ không thể khẳng định được rằng "lũ quét sẽ xảy ra". Và người dân, vốn nghe mãi những bản tin tương tự lặp lại ngày nay qua ngày khác, đã không còn cảm thấy chú ý và ý thức được tầm nghiêm trọng từ những cảnh báo thiên tai. Cần sửa chữa ngay điều này bằng việc chi tiết hóa các bản tin dự báo, không lặp lại dự báo na ná nhau với mọi ngày và mọi địa phương.
Để có được những thông tin dự báo đủ chi tiết và chất lượng, một cách quan trọng là chúng ta phải có hệ thống cảnh báo lũ sớm ở đầu nguồn các dòng sông, suối, dựa trên các nghiên cứu về lượng mưa, địa hình và bản đồ thủy lực, sau đó tập hợp thông tin và đưa ra bản tin cảnh báo. Tuy nhiên, Việt Nam có địa hình đồi núi phức tạp ở thượng nguồn với hàng ngàn nhánh sông và suối. Việc đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống cảnh báo sớm ở mọi nơi gần như là bất khả thi trong bối cảnh hạ tầng chưa đồng bộ và nguồn tài chính còn eo hẹp. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết.
Điều tiếp theo là quyền ra quyết định ở các địa phương được thiết lập chưa tốt. Quyền chủ động của chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động cùng nhân dân phòng chống thiên tai đã có với phương châm "bốn tại chỗ", gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Mặc dù vậy, việc áp dụng phương châm này còn rất nhiều bất cập do hạn chế về thông tin, nguồn lực nên cán bộ cấp cơ sở vẫn phải "chờ chỉ đạo".
Người chịu trách nhiệm lớn nhất về thiên tai là lãnh đạo địa phương. Nhưng tôi biết có những tình huống cán bộ cấp địa phương gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, ví dụ ông chủ tịch xã nhận định lũ quét có nguy cơ sẽ xảy ra, ông có quyền và theo luật, phải huy động cán bộ chức năng sơ tán người dân ở các vùng nguy hiểm. Vấn đề là ông không dám tự ý sơ tán dân nếu thông tin về thiên tai chưa thật sự rõ ràng và chưa có chỉ đạo của cấp trên. Bởi nếu thiên tai không xảy ra, dân khiếu nại, ông sẽ bị kỷ luật.
Mới chỉ đầu mùa mưa bão, chúng ta đã hứng tin buồn thiệt hại về người. Rồi cũng như nhiều năm nay, rất nhanh chúng ta sẽ lãng quên. Những rủi ro thiên tai bị quên trong tư duy của người lập kế hoạch, của những người liên quan ở chính quyền địa phương, trong cộng đồng những vùng vừa có thiên tai trừ gia đình có người thiệt mạng. Và rồi, rất có thể nó lặp lại ở những nơi khác.
Nguyễn Ngọc Huy