Ngày 30/8, bác sĩ Trần Xuân Tiềm, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV, cho biết bệnh nhân 66 tuổi từng trải qua hai ca mổ tại Campuchia vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, mở ống thông hỗng tràng để nuôi ăn. Lần này ông bị biến chứng nặng nên sang Việt Nam điều trị.
Các xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân nhiễm trùng ổ bụng, có một lỗ thủng lớn ở dạ dày khoảng 7 cm, áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng huyết do nấm, suy dinh dưỡng trầm trọng. Kíp điều trị tiên lượng cơ hội sống của bệnh nhân khoảng 20%, nếu không điều trị tích cực "chỉ sống vài ngày".
Các bác sĩ hội chẩn nhiều chuyên khoa, phẫu thuật trong 6 giờ để súc rửa ổ bụng, cắt bỏ dạ dày. Ê kíp nghi ngờ lỗ thủng lớn ở dạ dày có thể là ung thư, cơ hội sống sẽ hầu như không còn. May mắn, kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy tổn thương thủng này là lành tính.
Ổ bụng bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, dịch tiêu hóa lan khắp nơi, dạ dày biến dạng, co rúm, hoại tử xung quanh lỗ thủng. Ê kíp mổ buộc phải cắt toàn bộ dạ dày, đặt lại ống nuôi ăn qua hỗng tràng.
Theo bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn tích cực, song một tháng thì đại tràng bị rò. Lỗ thủng ở đại tràng rỉ phân, tràn vào khu vực các bác sĩ đang ra sức bảo vệ, khiến bệnh nhân lần nữa đối diện nguy hiểm. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật lần hai.
Thể trạng của bệnh nhân lúc này. Nếu phẫu thuật mở rộng vết mổ bệnh nhân sẽ dễ tử vong vì nhiễm trùng lan tỏa ổ bụng. Ê kíp chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn hơn, "dựa trên kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp sao cho phù hợp nhất với bệnh nhân đặc biệt này, không có sẵn hướng dẫn trong y văn", theo bác sĩ Thái.
Bệnh nhân được chăm sóc sau mổ cẩn thận hơn. Mỗi ngày, hai điều dưỡng và một hộ lý thay băng ba lần, súc rửa, hút dịch qua ống dẫn lưu, xoay trở người để tránh loét, cho bệnh nhân dùng đúng liều kháng sinh, kháng nấm. Đồng thời, người bệnh được tính toán liều lượng dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch và qua ống nuôi ăn.
Điều dưỡng Phạm Thị Thanh cho biết trong 20 năm làm nghề của chị, chưa khi nào có bệnh nhân đặt nhiều ống dẫn lưu như vậy. Ê kíp phải đảm bảo súc rửa ống dẫn lưu đều đặn, tránh nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, thuốc men đầy đủ, đúng giờ. Điều dưỡng quan sát từng chi tiết nhỏ nhất như màu phân, nước tiểu, màu da, vị trí ở những chỗ đặt ống dẫn lưu, truyền dịch...
"Việc chăm sóc bệnh nhân cực kỳ phức tạp, mỗi lần bơm rửa cần 1-3 lít nước, mất 1,5-2 giờ mới hoàn thành và tiến hành 2-3 lần mỗi ngày", điều dưỡng Thanh nói.
Hiện, bệnh nhân tự ngồi được và đi lại trong khoảng cách nhỏ, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Dự kiến, khoảng một năm tới, khi thể lực phục hồi tốt, ông Pravong cần phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, nối lại thực quản với ruột non. Khi đó, ông sẽ ăn bằng đường miệng, đi ngoài bằng đường hậu môn như bình thường, không phải thông qua ống như hiện tại.
Do khó khăn về tài chính, bệnh nhân mới chỉ trả 20% viện phí. Gia đình có nguyện vọng đưa ông về Pháp để theo dõi và phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, đồng thời làm các thủ tục với bảo hiểm xã hội Pháp để hoàn trả 80% viện phí còn lại cho bệnh viện.
"Tôi khỏe hơn rất nhiều so với hai tháng trước, hiện không còn đau. Tôi biết bệnh rất nặng, sự nỗ lực của các bác sĩ đã tiếp thêm nghị lực giúp tôi cố gắng sống", ông Pravong nói khi xuất viện.
Lê Phương