Ngày 14/11, bác sĩ Nguyễn Đỗ Nhân, Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân vào viện sau khoảng 30 phút bị đâm, vết thương vùng tim chảy máu gây sốc trụy mạch, đe dọa tử vong, tỷ lệ cứu sống chỉ khoảng 10%. Các bác sĩ cấp cứu báo động đỏ toàn viện, chuyển thẳng lên phòng mổ.
Ê kíp phẫu thuật ghi nhận nhiều máu trong khoang ngoài tim bệnh nhân gây chèn ép tim cấp, vết thủng tim thất phải khoảng một cm, tim đờ, đập yếu. Ê kíp hút khoảng 200 ml máu ở màng tim, bình thường nơi này chỉ khoảng 30 ml dịch.
Thách thức là thời gian mổ phải rất nhanh, thao tác quyết đoán, không chần chừ. Quá trình phẫu thuật, tim bệnh nhân bị loạn nhịp, các bác sĩ chuẩn bị sốc điện. May mắn, nhịp tim trở lại bình thường, bác sĩ giải áp kịp thời và kiểm soát được máu chảy.
"Khi mở tim, chúng tôi phải lập tức kiểm soát tổn thương trong tối đa một phút. Điều này rất khó vì tim chảy nhiều máu", bác sĩ nói. Vết thương nằm sát động mạch vành phải, ê kíp không áp dụng kỹ thuật khâu thường vì dù cầm được máu cũng dễ tổn thương tim thất phải. Bác sĩ khâu mũi chữ U để tránh tổn thương mạch vành phải.
Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, ngồi dậy vận động tốt, dự kiến xuất viện vài ngày tới. Theo bác sĩ, tỷ lệ cứu sống với tổn thương tim thất phải như bệnh nhân này, trên thế giới chỉ khoảng 10-20%.
TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, cho biết những ca thủng tim nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn. Thời gian vàng để cứu sống tùy từng mức độ tổn thương, từ 30 phút đến khoảng 3 giờ. Nếu trúng vị trí hiểm như mạch vành, bệnh nhân sẽ tử vong tại chỗ.
"Phẫu thuật không kịp thời, để thời gian kéo dài, bệnh nhân sau mổ sẽ rối loạn tri giác, thiếu máu não, loạn thần...", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo nạn nhân có các vết thương ở ngực cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện lớn để xử lý kịp thời, tăng cơ hội cứu sống.
Lê Phương