Công ty tư vấn Kissinger Associates của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tối 29/11 (sáng 30/11 giờ Hà Nội) thông báo ông đã qua đời.
Ông có tên là Heinz Alfred Kissinger khi sinh ra ở Furth, Đức ngày 27/5/1923 và chuyển đến Mỹ cùng gia đình năm 1938, trước khi Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái ở châu Âu.
Ông đổi tên thành Henry Kissinger, nhập tịch Mỹ năm 1943, phục vụ trong quân đội ở châu Âu thời kỳ Thế chiến II. Ông vào Đại học Harvard nhờ học bổng, lấy bằng thạc sĩ năm 1952 và bằng tiến sĩ năm 1954 rồi làm giảng viên tại Harvard 17 năm sau đó.
Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977, dưới hai đời tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.
Trong thời kỳ này, Kissinger bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, thể hiện vai trò trực tiếp trong kéo dài cuộc chiến vô vọng, dù nhận thức được rằng Mỹ không thể nào giành chiến thắng. Ông đã thúc đẩy kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" của Tổng thống Nixon cũng như mở rộng chiến tranh sang Campuchia.
Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Cố vấn Lê Đức Thọ của Việt Nam khi đó đã trải qua những màn "đấu trí" căng thẳng với Kissinger để đi đến Hiệp định, với hàng chục phiên đàm phán căng thẳng tại Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger, trở thành một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895. Ông Lê Đức Thọ gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và "người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam".
Với chính sách "ngoại giao thực dụng", Kissinger đã để lại một số dấu ấn nổi bật trong đường lối đối ngoại của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông đã thúc đẩy đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Liên Xô, giúp giảm căng thẳng giữa hai siêu cường hạt nhân.
Kissinger cũng thu xếp chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Liên Xô năm 1972. Trong chuyến thăm, hai nước đã ký hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (SALT I) và các hiệp định cơ bản khác.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông là người tiên phong mở các kênh đàm phán bí mật giữa Washington và Bắc Kinh vào đầu những năm 1970, dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước và chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972.
Chính sách của Kissinger với Liên Xô và Trung Quốc được coi là đã góp phần tái định hình hướng đi của Chiến tranh Lạnh, giúp giảm căng thẳng giữa các cường quốc.
Vai trò của Kissinger đối với chính sách đối ngoại của Mỹ suy yếu sau khi Nixon từ chức vào năm 1974. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì sức ảnh hưởng dưới thời tổng thống Gerald Ford và đưa ra nhiều quan điểm trong những năm sau đó.
Ông cũng là người ủng hộ việc mở rộng NATO về phía đông, điều đã tạo ra căng thẳng ngày càng tăng với Nga. Sau khi được mời làm cố vấn cho chính phủ Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001, Kissinger đã ủng hộ mở chiến dịch quân sự tấn công Iraq năm 2003, điều được coi là một những sai lầm chiến lược lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Gerald Ford gọi Kissinger là "siêu ngoại trưởng" nhưng cũng lưu ý đến tính nóng nảy và tự tin thái quá của ông, điều mà các nhà phê bình thường gọi là "hoang tưởng và tự cao tự đại".
Sau khi rời chính phủ Mỹ, ông thành lập công ty tư vấn Kissinger Associates, trở thành một chuyên gia đưa ra những lời khuyên chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và công chúng.
Kissinger tiếp tục hoạt động ngoại giao đến tận những năm cuối đời, tham dự các cuộc họp ở Nhà Trắng, xuất bản cuốn sách về phong cách lãnh đạo và điều trần trước ủy ban Thượng viện về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 7.
Kissinger rất kín tiếng trong các vấn đề cá nhân. Ông ly hôn người vợ đầu tiên, Ann Fleischer, năm 1964, và kết hôn với Nancy Maginnes, trợ lý của thống đốc New York khi đó Nelson Rockefeller vào năm 1974. Ông có hai con với người vợ đầu.
Huyền Lê (Theo Reuters)