Luôn mang theo túi máu chứa nhóm máu của tổng thống
Hàng nghìn đặc vụ được Sở Mật vụ tuyển dụng nhưng chỉ số ít trong đó được phân công vào đơn vị bảo vệ tổng thống và gia đình. Theo Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn tự truyện Standing Next to History của cựu mật vụ Joseph Petro, đơn vị này đảm bảo các mật vụ được đào tạo về kỹ năng y tế, làm mọi thứ để giữ tổng thống sống sót cho đến khi được chăm sóc y tế chuyên nghiệp trong trường hợp khẩn cấp.
"Khi di chuyển, họ không bao giờ cách trung tâm y tế quá 10 phút lái xe. Họ cử một mật vụ trực sẵn ở bệnh viện, nhận biết nhân viên phòng phẫu thuật", Robinson nói. Đội mật vụ đi theo tổng thống sẽ mang sẵn các túi máu chứa nhóm máu của tổng thống phòng trường hợp cần truyền gấp.
Việc đào tạo kỹ năng y tế cho mật vụ đã giúp cứu sống Tổng thống Ronald Reagan trong vụ ám sát năm 1981. Sau khi bị bắn, Reagan nghĩ rằng chỉ bị thương nhẹ ở xương sườn và quyết định trở về Nhà Trắng để giữ an toàn. Trên chiếc limo của tổng thống, mật vụ Jerry Parr nhận thấy máu đỏ sủi bọt chảy ra từ miệng ông - dấu hiệu chảy máu từ phổi nên nhanh chóng chuyển hướng đưa đến bệnh viện. Bác sĩ phát hiện tổng thống bị bắn vào phổi và phải trải qua nhiều giờ phẫu thuật.
Đảm bảo tổng thống không bao giờ ở một mình
Các mật vụ có nhiệm vụ đi theo tổng thống mọi lúc mọi nơi, bao gồm phòng tắm, phòng khám hay nơi riêng tư khác. "Tổng thống không bao giờ ở một mình", Robinson nói.
"Joseph Petro từng ở bên Ronald Reagan khi ông kiểm tra tuyến tiền liệt và nội soi ruột kết. Anh ta luôn ở trong phòng với một khẩu súng. Nếu anh ta nghĩ bác sĩ là một mối đe dọa, sẽ nổ súng".
Để bám sát tổng thống, mật vụ còn phải học theo các sở thích của tổng thống như cưỡi ngựa, chạy bộ. Họ từng làm nhiệm vụ bảo vệ trong khi chạy 8 km cùng Bill Clinton.
Luôn ghi hình tổng thống
Bộ phim Zapruder về vụ ám sát John F. Kennedy năm 1963 có giá trị rất lớn trong việc giúp Sở Mật vụ hiểu rằng một tình huống có thể vượt tầm kiểm soát nhanh đến thế nào. Đến nay, các mật vụ vẫn chiếu đoạn phim trong quá trình đào tạo. Theo Ronald Kessler - tác giả của In the President's Secret Service, họ ghi hình các chuyến di chuyển của tổng thống trong trường hợp cần xem xét lại một cuộc tấn công.
"Như trường hợp một người đã ném thứ gì đó vào Donald Trump tại Mar-a-Lago. Họ có thể xác định vị trí của người đó nhờ video", Kessler nói.
Điều tra các mối đe dọa tiềm tàng
Theo Tim Wood, cực nhân viên Sở Mật vụ với 23 năm kinh nghiệm, bất cứ ai đưa ra lời đe dọa đến an toàn của tổng thống sẽ bị điều tra mọi khía cạnh trong cuộc sống. "Chúng tôi sẽ hỏi thăm bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, nhân viên để xem người đó có phải mối nguy hiểm thực sự". Sau đó, họ sẽ quyết định đối tượng bị cảnh cáo, đưa đi giám định tâm thần hay bị buộc tội.
Wood từng thẩm vấn một người đàn ông liên tục gọi điện đe dọa tính mạng Ronald Reagan. Kẻ này nghiện rượu và có thể mắc bệnh tâm thần, vì thế không bị truy tố nghiêm trọng.
Khi Nhà Trắng nhận được thư tay gây rối hoặc đe dọa, Sở Mật vụ có một cơ sở dữ liệu khổng lồ để xác định loại mực, thương hiệu và nơi bán, từ đó thu hẹp đối tượng tìm kiếm.
Kiểm soát khách sạn tổng thống dừng chân
Khi tổng thống đi công du, Sở Mật vụ sẽ nhanh chóng dò tìm, tra xét các khách sạn để kiểm soát tốt nhất. Các nhân viên khách sạn sẽ tiếp xúc với đoàn của tổng thống phải trải qua kiểm tra lý lịch. "Nếu ai có tiền sử phạm tội, quản lý khách sạn sẽ yêu cầu họ không đến làm vào ngày hôm đó", Kessler nói.
Sở Mật vụ cũng sẽ tiếp quản toàn bộ tầng trên và tầng dưới nơi tổng thống nghỉ ngơi và trưng dụng thang máy riêng, điều này có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của khách sạn. Họ thậm chí sẽ yêu cầu một thợ sửa thang máy sẵn sàng đợi lệnh trong trường hợp tổng thống bị kẹt.
Đeo kính đen để dò quét kẻ tình nghi
Theo Wood, nhiệm vụ bảo vệ tổng thống trong các cuộc gặp gỡ, chào hỏi người dân qua hàng rào dây luôn rất căng thẳng. "Bạn không biết một đám đông mất kiểm soát có thể làm gì".
Để giảm thiểu mối đe dọa, các mật vụ liên tục quét tìm bàn tay nhét trong túi hoặc các dấu hiệu đáng ngờ khác. Họ luôn đeo kính đen để dò xét đám đông mà không khiến kẻ tình nghi cảnh giác, đồng thời giúp ngăn chặn các loại chất lỏng hay đạn ném về phía họ.
Được huấn luyện bằng đạn giả
Để chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào, các mật vụ phải trải qua quá trình đào tạo thường xuyên và nghiêm ngặt với đủ kịch bản. Họ sẽ cho một mật vụ đóng thế tổng thống, những người khác cố gắng xử lý mối đe dọa. Để mô phỏng hiệu quả hơn, Wood nói rằng khóa đào tạo kết hợp "đạn đánh dấu" không gây chết người, hoặc đạn nhựa để lại vết màu và vết đỏ ngoài da. "Bạn sẽ biết liệu mình có bị bắn trúng không hay đã bắn trúng mục tiêu ở đâu".
Tuệ Anh (Theo Mentalfloss)