Hơn một tháng kể từ ngày bố mất vì Covid-19, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, 32 tuổi, vẫn chưa sắp xếp ổn thỏa chuyện ăn ở, học hành 5 đứa em trong độ tuổi đến trường. Nhìn từng đứa em, chị liệt kê bé nhỏ nhất vừa vào lớp 5, hai đứa chuyển lên cấp 3 đang nợ học phí, một em gái học lớp 8, bé trai lớp 12.
"10 năm mẹ bỏ các em ra đi là từng ấy năm bố tôi xoay xở, lo lắng chuyện cơm nước, học hành cho từng đứa", chị Nguyệt ngập ngừng, không nói hết câu. Đã lập gia đình, từ hôm bố mất chị tạm thời về nhà ở ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh lo cho các em bởi bà nội đã già, cô chú xung quanh đều có gia đình không thể bao bọc cùng lúc 5 đứa trẻ. Điều an ủi nhất bây giờ là các em biết tự lập, tự nấu ăn, dọn dẹp, đứa lớn hướng dẫn đứa nhỏ học hành.
Những đứa em của chị Ánh Nguyệt nằm trong hơn 100 trẻ mồ côi do đại dịch ở địa bàn mà chính quyền huyện Bình Chánh đang lên kế hoạch giúp đỡ và tìm người đỡ đầu. Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh, cho biết sau khi nhận được đề nghị từ Hội Phụ nữ huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện đã nhận đỡ đầu 5 bé đến ít nhất 18 tuổi.
Quyết định sau đó được thông báo tới toàn đơn vị để tất cả cán bộ, chiến sĩ biết thêm "nhiệm vụ mới". Trong 5 em được giúp đỡ, bé nhỏ nhất 7 tuổi học lớp 2, lớn nhất tròn 15 mới vào cấp 3. Một trẻ 13 tuổi mất cả cha mẹ phải sống một mình, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày trông vào gia đình người cậu gần nhà. Các em còn lại mồ côi cha, mẹ làm công nhân, buôn gánh bán bưng, hiện đều mất việc do dịch, không có thu nhập.
"Các em đều muốn tiếp tục đến trường, việc học không bị gián đoạn", trung tá Tâm nói và cho biết theo đề nghị của gia đình, trước mắt Ban chỉ huy quân sự huyện sẽ tặng mỗi em một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Số tiền đủ đảm bảo trang trải học phí và các khoản phát sinh cơ bản trong những năm học phổ thông. Để tạo nguồn, đơn vị kêu gọi tất cả cán bộ, chiến sĩ đóng góp và vận động thêm từ các nhà hảo tâm.
Theo trung tá Tâm, không chỉ giúp đỡ tiền, Ban chỉ huy quân sự huyện còn phân công cán bộ đồng hành với gia đình động viên khi các em gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống, kịp thời phát hiện những bất ổn để chia sẻ. Sau khi kết thúc chương trình phổ thông, tùy vào khả năng học tập của mỗi em, đơn vị tiếp tục tính toán có hướng hỗ trợ tiếp theo.
Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh là đơn vị đầu tiên tại địa bàn nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do dịch theo mô hình "Trao gửi yêu thương" mà Huyện ủy khởi xướng. Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch huyện cho biết địa phương vận động nhà hảo tâm, người dân góp kinh phí chăm lo hoặc nhận đỡ đầu trẻ từ nay đến 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, học nghề, đại học, cao đẳng.
"Chúng tôi sẽ không để bất kỳ trẻ mồ côi vì Covid-19 trên địa bàn thiếu ăn, thiếu mặc hoặc phải bỏ học với lý do không có tiền", ông Vượng nói. Để không bỏ sót, hàng ngày Ban Dân vận cùng với UBND huyện, 16 xã, thị trấn rà soát, cập nhật danh sách trẻ em mồ côi, tùy hoàn cảnh để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đến chiều 13/9, toàn huyện có 106 trẻ cần giúp đỡ.
Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, ngoài trợ giúp vật chất, các tổ chức trên địa bàn tùy nhiệm vụ sẽ đồng hành với các em đến khi trưởng thành. Các trường sẽ xây dựng mô hình "bạn giúp bạn", "đôi bạn học tập" tạo điều kiện cho các em học tập. Hội phụ nữ sẽ tiếp nhận, quản lý các nguồn lực do huyện vận động chăm lo cho trẻ, báo cáo định kỳ cho lãnh đạo huyện và các đơn vị đồng hành.
Là địa phương ghi nhận hơn 100 em mồ côi do Covid-19, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung nói ngoài các khoản hỗ trợ theo quy định, trước mắt địa phương vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 35 trường hợp khó khăn nhất, mỗi em 5 triệu đồng mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới. Về lâu dài, quận yêu cầu các phường rà soát, cập nhật danh sách, có phương án giúp đỡ.
"Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ các quỹ học bổng hoặc kết nối doanh nghiệp đỡ đầu các em", bà Dung nói và cho biết hiện các tổ chức như mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng chung tay chia sẻ khó khăn với các em.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đến ngày 13/9, toàn thành phố có hơn 1.500 em trong độ tuổi đến trường bị mồ côi do Covid-19. Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho hay, bên cạnh giúp đỡ vật chất, đơn vị cũng phối hợp các tổ chức xã hội, các chuyên gia tạo thành mạng lưới tư vấn, trị liệu khủng hoảng tâm lý và hỗ trợ pháp lý cho các em khi cần.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP HCM cho biết, đơn vị có hơn 100 chuyên gia tâm lý, công tác xã hội sẵn sàng tiếp nhận tư vấn cho các em. Hiện tại do giãn cách xã hội nên các cuộc trò chuyện được thực hiện chủ yếu qua điện thoại. Về lâu dài ngoài việc lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, câu lạc bộ sẽ phối hợp các địa phương chủ động tìm đến các trường hợp bất ổn tâm lý để chia sẻ.
Đến ngày 11/9, TP HCM ghi nhận hơn 10.000 trẻ em mắc Covid-19. Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quyết định hỗ trợ một triệu đồng cho những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ nhiễm Covid-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho những em bé có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em.
Riêng các em mồ côi cả cha mẹ, theo chính sách chung của nhà nước sẽ được miễn giảm học phí và trợ cấp hàng tháng. Cụ thể trẻ dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội sẽ được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.
Lê Tuyết