James Oberg, kỹ sư làm việc tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào cuối những năm 1990, nay là phóng viên hàng không kiêm sử gia, dành nhiều thập kỷ nghiên cứu các đoạn phim ghi hình vật thể bay không xác định (UFO), theo Atlas Obscura.
Không giống nhiều chuyên gia giải mã UFO, Oberg không hứng thú với bác bỏ giả thuyết, mà quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu chính xác tại sao con người phản ứng mạnh trước những hình ảnh và cảnh quay vật thể trong không gian. Oberg cho rằng các giác quan của con người quen thuộc với vật thể di chuyển chậm, một số loại ánh sáng và môi trường nhất định. Khi những điều kiện đó thay đổi, con người trở nên đề phòng và phản ứng mạnh.
Vật thể vũ trụ quanh tàu con thoi
Năm 1996, tàu con thoi STS-75 của NASA phát nổ trong khi thực hiện sứ mệnh kéo dài 15 ngày nhằm đưa hệ thống vệ tinh có dây buộc dẫn điện vào không gian. Tuy nhiên, dây buộc đứt làm mất vệ tinh. Điều kỳ lạ nhất sau sự cố là đám mây tinh thể băng trôi nổi phía trên và xung quanh dây buộc, trông gần giống gàu trên da đầu, khiến nhiều người tin rằng đó là UFO.
"Nguyên tắc đầu tiên của du hành vũ trụ là vật thể rơi ra từ một phương tiện có xu hướng bay dọc theo phương tiện đó. Chúng dường như di chuyển theo hàng thẳng cho đến khi chạm phải lực cản như khí quyển hoặc cột khói xả từ động cơ đẩy tên lửa", Oberg cho biết.
Theo Oberg, vật thể nghi là UFO trong trường hợp này thực chất là tinh thể băng. "Một số phương tiện tỏa nhiệt thông qua nước bay hơi ở cánh làm mát, dẫn đến những khối tinh thể băng. Các chấm nhỏ trong ảnh chụp sự cố của STS-75 rất khó nhận dạng chính xác, nhưng nhiều khả năng chúng là tinh thể băng hoặc mảnh vụn văng ra từ tàu con thoi và trôi nổi xung quanh", Oberg nói.
Vệt sáng xanh
Tháng 11/2015, người dân ở California, Mỹ, phát hiện một vật thể lạ bay ngang qua bầu trời. Sau đó, vật thể này phát sáng tạo ra vệt đuôi khổng lồ sáng rực màu xanh dương.
Oberg giải thích chiếc đuôi màu xanh dương khổng lồ của vật thể thực chất là cột khói, hình thành do các phần tử hóa học thải ra từ động cơ đẩy của tên lửa khi phóng vào không gian. Vì không phụ thuộc vào không khí, các phần tử lan tỏa theo góc rộng hình nón. Một số phần tử thậm chí còn bắn xa khỏi tên lửa, xuất hiện ở phía trước hoặc dọc tên lửa, khiến cột khói càng kéo dài hơn.
Nếu tên lửa ở vị trí rất cao trong khí quyển, nó có thể được ánh nắng Mặt Trời chiếu sáng toàn bộ. Hiệu ứng này trở nên rõ nhất vào lúc chạng vạng. Nhìn từ mặt đất, vật thể trông như đang bốc cháy, nhưng nó thực sự chỉ là cột khói được Mặt Trời chiếu sáng. Cột khói xuất hiện trên bầu trời California là kết quả của một vụ thử tên lửa của Hải quân Mỹ. Những trường hợp khác tương tự cũng xảy ra ở Nga, Australia và quần đảo Canary.
"Hàng nghìn người có thể xử lý kích thích thị giác một cách đúng đắn nếu cột khói chỉ ở cách họ 1,6 - 16 km. Nhưng cột khói này ở độ cao hơn 480 km trong không gia và được Mặt Trời chiếu sáng. Điều này không nằm trong tầm nhìn thông thường của con người", Oberg nhận xét.
Bóng chạng vạng
Năm 1996, tàu con thoi Columbia thực hiện sứ mệnh chở hai vệ tinh vòng quanh quỹ đạo Trái Đất. Trong đoạn video ghi lại sứ mệnh, có một loạt tia sáng kỳ lạ nháy lên theo hình vòng tròn. Oberg lý giải các vật thể không đột ngột xuất hiện từ chân trời mà chúng chỉ dịch chuyển xung quanh bóng tàu con thoi.
"Chúng có xu hướng xuất hiện ở một thời điểm đặc biệt trên quỹ đạo, khi tàu con thoi ló ra khỏi bóng của Trái Đất và nằm dưới ánh sáng Mặt Trời. Do vị trí ống kính camera, vật thể đột nhiên hiện ra giống như chúng xuất hiện sau đường chân trời hoặc một đám mây", Oberg chia sẻ.
Trên Trái Đất, khi một vật thể chắn trước ánh sáng Mặt Trời, nó tạo ra một chiếc bóng ở mặt đất. Trong không gian, chiếc bóng của tàu con thoi có thể nhìn rõ từ xa. Đôi khi, nó che khuất mảnh vụn hoặc tinh thể băng ở quanh thân tàu. Oberg gọi đây là hiệu ứng "bóng chạng vạng".
Xem thêm: Obama được kỳ vọng tiết lộ thông tin UFO trước khi rời Nhà Trắng
Phương Hoa